Sạt lở 17 người chết: Quặn đau ánh mắt trẻ chờ cha

Chủ nhật, 09/09/2012, 12:51
Vành khăn trắng ướt đẫm nước mắt phủ kín mái tóc người cha, người vợ và cả những đứa trẻ ngây thơ đang ngóng cha về...

>>Sạt lở núi ở Yên Bái: 17 người chết, 1 mất tích 
>>Đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 15 trong vụ sạt lở
>>Di dời khẩn cấp hộ dân tại các vị trí sạt lở
>>Hàng chục công trình phòng, chống sạt lở chậm thi công

Hàng trăm người đào bới từng nắm đất tìm kiếm, hàng ngàn cặp mắt đẫm lệ chăm chăm nhìn người đào bới với hy vọng mỏng manh. Bên trên, ngọn núi vốn hiền lành nay ngã sụp, những hòn đá khổng lồ trở nên hung dữ sau những ngày mưa đè chết người.

Con đường đất đỏ lầy lội phủ kín màn sương và nhang khói, giữa núi rừng tĩnh mịch vang lên những tiếng khóc ai oán, những tiếng nấc kìm nén nghẹn ngào… Vành khăn trắng ướt đẫm nước mắt phủ kín mái tóc người cha, người vợ và cả những đứa trẻ ngây thơ. Tang thương đang bao trùm xã La Pán Tẩn.

 
Người vợ trẻ ôm con trong nỗi đau quặn thắt...

Hơn 1 tiếng đi từ trung tâm xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) trên con đường lầy lội chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường cướp đi 17 sinh mạng của người dân khi đang mải mót quặng vào ngày 7/9.

Những người dân ở xã La Pán Tẩn đều thuộc diện nghèo, ăn uống chỉ trông chờ vào việc trồng lúa ở những ruộng bậc thang nhỏ bé, năm được năm mất nên những năm gần đây, họ chăm đi mót quặng để kiếm tiền mưu sinh. Dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn hiện hữu, cả làng đành bất chấp.

Những ngày đầu tháng 9, ông Trời trút nước xuống bản nghèo cho đến khi ngọn núi đổ sập. Sự việc diễn ra quá nhanh, không ai kịp trở tay, 20 con người đang nhặt quặng trong chốc lát đã nằm dưới lòng đất.

Đến 19h ngày 8/9, 19 người đã được tìm thấy nhưng 17 người đã chết, thậm chí có người còn không thể nhận dạng.

 
Cả bản nháo nhác tìm người thân dù chỉ còn một tia hy vọng...

Có những bản mất đến 7 người, 9 người; rồi có gia đình mất đến 6 người, có 4 nhà cha mất con, vợ mất chồng, con mất cả cha lẫn mẹ… Điều đáng nói, những người thiệt mạng lại là những trụ cột, là lao động chính mưu sinh nuôi sống cả nhà.

Bế đứa con bé bỏng trên tay, chị Giàng Thị Dở (vợ nạn nhân Lý A Xinh) khóc nghẹn ngào. Chị nói chuyện bằng ngôn ngữ Mông nên hầu cánh phóng viên tiếp chuyện đều không hiểu nghĩa, nhưng ai ai cũng thấm thía rằng tấn bi kịch giáng xuống gia đình chị là quá lớn, chị đang đau đớn đến tột cùng.

 
Những tiếng khóc vang lên khi ở dưới, nạn nhân tìm thấy nhưng đã chết.

Cũng vì cái nghèo, hai anh em Hàng A Dinh và Hàng A Sú (SV Cao đẳng Nông nghiệp tại Sơn La) rủ nhau đi nhặt quặng để kiếm tiền học. Tiền đâu chả thấy, chỉ biết người đã đi mãi không về. A Dinh đi bỏ lại người vợ cùng một đứa con gái mới chỉ hơn 1 tuổi.

Theo ông Tạ Quang Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thì tỉnh đã huy động hơn 150 người triển khai nhanh chóng công tác cứu hộ, cứu nạn. Hiện công tác này đang gặp nhiều khó khăn do lượng đất đá sạt lở rất lớn, khoảng một vạn khối, nên các nạn nhân có thể bị vùi rất sâu.

 
Người mẹ khóc ngất vì con mình mãi mãi ra đi...

Về việc xác định trách nhiệm trong vụ việc, ông Long cho biết, trước mắt chưa xem xét vì phải tập trung cứu hộ nhưng sau này chắc chắn sẽ làm rõ trách nhiệm liên đới của từng đơn vị, cá nhân và có hình thức kiểm điểm, kỷ luật nghiêm minh.
 
Công tác cứu nạn tiếp tục triển khai để tìm bằng được nạn nhân duy nhất còn sót lại.

Hiện tỉnh cùng các bên liên quan đã có hỗ trợ gạo và tiền mặt đối với những gia đình gặp nạn.

Đêm xuống, La Pán Tẩn chìm trong màn sương tĩnh mịch, thấp thoáng có ánh đèn leo lét trong những mái nhà sàn mục nát. Những giọt nước mắt vẫn tuôn chảy, những tiếng khóc vẫn văng vẳng giữa màn đêm của núi rừng hun hút…

 
Theo VTC News

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích