Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 – Sơn Tây là nơi nuôi dạy, giáo dục những người đã vi phạm về ma túy, mại dâm… và cũng là ngôi nhà chung của những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh HIV mà khi mới sinh ra đã bị vứt bỏ.
Tâm sự với phóng viên, cô Nguyễn Thị Minh, nhân viên và cũng là người mẹ của mấy chục người con trong trung tâm chia sẻ: Gắn bó với nghề từ lúc còn trẻ, thời gian để mình chăm sóc và nuôi dưỡng các con cũng rất nhiều. Có nhiều kỷ niệm khiến bây giờ mình mặc dù đã già rồi nhưng vẫn không rời xa mái ấm này. Tôi chỉ muốn làm sao thời gian nó chậm lại để được gần các con nhiều hơn.
Các bé quấn quýt bên cô Nguyễn Thị Minh.
Hầu hết các cháu khi vào trung tâm đều là những đứa trẻ bị bỏ rơi, mang trong mình căn bệnh HIV và điều tôi thương chúng nhất là phần lớn các cháu đều phải rời xa bố mẹ ngay từ khi mới lọt lòng. Nhiều cháu chắc chưa kịp biết mùi thơm của sữa mẹ như thế nào.
Được dìu dắt, được bên các con, tôi cảm nhận được cái vui của công việc này. Tuy nhiên cũng có muôn vàn khó khăn và trở ngại. Từ công việc đến chuyện gia đình, ở gia đình mình chỉ có một hai đứa, luôn được bố mẹ, ông bà bên cạnh chăm sóc mà thấy đã khó khăn lắm rồi. Vậy mà ở đây cả đến mấy chục cháu, không chỉ vậy mà nhiều cháu bệnh tật, các cháu không cùng dòng máu, nên mỗi người mỗi tính nết khác nhau.
Để tạo được một gia đình có sự hòa thuận, vui vẻ chúng tôi cũng phải có nhiều cố gắng và công vun đắp. Hơn nữa các cháu bây giờ đã hiểu gia đình như thế nào nên chúng tôi cũng đỡ hơn rất nhiều. Cô Minh chia sẻ.
Công việc khó khăn đã đành, những ngày đầu về làm dâu tôi thường xuyên đi sớm về muộn, việc trực qua đêm là chuyện bình thường nên đã bị sự phản đối dữ dội từ phía nhà chồng. Đặc biệt là mẹ chồng, biết như vậy tôi đã phải ngồi lại và kể ra cho mẹ chồng những khó khăn, những hoàn cảnh và cuối cùng cũng được mẹ chồng thông cảm và giúp đỡ tôi.
Ngoài mẹ chồng còn các con, là những người mà mình cũng luôn thấy ái náy, có lỗi với bọn nhỏ. Nhiều lúc chúng nó bảo tôi là mẹ chỉ quý và chỉ thương các em ở trung tâm thôi. Nó nói như vậy mà mình không kìm được nước mắt.
Đúng là mỗi người mỗi nghề, khi đã chọn và đã có tâm huyết theo nghề này thì có khi phải hy sinh một vài thứ là chuyện nhỏ. Thời gian dành cho các con đẻ của tôi cũng không được nhiều, dường như chăm sóc con cái là từ ông bà và người chồng. Còn tôi luôn tất bật cùng các cháu ở đây, Cô Minh tâm sự.
Không chỉ chăm sóc, cô Minh còn dạy các bé trồng rau, thu xếp việc nhà.
Theo cô Minh có những kỷ niệm mà chắc suốt đời tôi không thể quên được, khoảng 22h tối (15/8/2006) hôm đó tôi đi ra viện Sơn Tây để chăm sóc một cháu tên là Nguyễn Văn Rơi (Tùng) khoảng 3 tuổi, người cháu gầy lắm chỉ còn xương bọc vào da.
Vì bệnh quá nặng, lúc đó không thể nói được nữa, bé cứ quằn quại kêu đau đớn, lăn ra lăn vào. Đến thì 3h sáng Tùng đã ra đi, lần đó tôi không thể cầm được nước mắt. Từ những hình ảnh đó mà giờ nhớ lại tôi vẫn thấy nhớ cháu, và không muốn rời xa mái ấm này nữa.
Cũng có một trường hợp cháu Nguyễn Đức Anh, chưa được hai tuổi, cháu ra đi mà không thể nhắm được mắt. Hình như cháu giận hay căm thù ai đó cho nên mới như vậy, trước lúc ra đi bản thân tôi đã vuốt mắt mà mãi cháu không nhắm lại. Khi về đến trại, ông quản trang mở ra mà giật cả mình, người cậu bé vẫn cứ mềm như chiếc bánh… nghĩ mà thương mà xót.
Đã nhiều năm nay những ngày tết, các con cứ đến vây quanh bên mẹ để mong mẹ được ăn tết cùng các con. Chính vì vậy mà tôi cũng “bỏ” tết không về cùng gia đình để ở lại. Nhiều đứa bảo chúng con không có gia đình chúng con ở với mẹ, các con nói như vậy mà tôi chảy nước mắt. Cảm giác như tất cả tình cảm của mình các con đã hiểu và đã muốn được gắn bó. Tôi cũng có bảo với các con rằng đây chính là một gia đình, một mái ấm.
“Sống trong môi trường chỉ toàn trẻ con, tâm hồn và bản thân tôi giờ đây dường như cũng như một đứa trẻ, mặc dù tuổi đã già”. Cô Minh cười và nói.
Rời khu tập thể của các cháu, chia tay cô Minh chúng tôi cảm thấy niềm hạnh phúc vẫn luôn tràn ngập, niềm vui sẽ đến với các cháu và người mẹ hiền như cô Minh.