"Tây xịn” đặt những khách sạn 4, 5 sao sang trọng, “Tây ba lô” thì tìm những nhà nghỉ nhỏ hơn để tá túc với mức giá từ 10 - 15 đôla cho một ngày đêm. Sau khi kiếm được chỗ ngủ rồi, cuộc hành trình khám phá Hà Nội của những vị khách “Tây ba lô” bắt đầu.
Phượt phố cổ cùng “Tây ba lô”
Phố cổ Hà Nội ẩn chứa một sức thu hút kỳ lạ đối với du khách thập phương không phải do những cảnh đẹp nổi tiếng, mà là bởi một không gian văn hóa ẩn chứa bên trong những con ngõ, hẻm chật chội. Bất cứ vị khách nước ngoài nào khi đến Hà Nội, cũng đều có mong muốn tham quan phố cổ.
Những cái tên như Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Trống, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm... với các đặc trưng văn hóa, ẩm thực khác nhau, hầu hết đã trở nên vô cùng quen thuộc trong sổ tay du lịch của những vị “Tây ba lô” khi có ý định đến với Hà Nội.
Yolanda, một giáo viên người Tây Ban Nha chia sẻ: “Phố cổ Hà Nội không có những thắng cảnh đẹp, nhưng mỗi lần đi bộ qua đây, tôi luôn có những cảm xúc rất thú vị. Cuộc sống ồn ào đặc trưng cứ luôn tiếp diễn không ngừng nghỉ, những nét văn hóa cổ xưa và hiện đại đều tồn tại ở nơi đây. Điều đó làm cho tôi rất muốn được khám phá.”
Những cửa hàng bày bán các sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Việt, từ trước đến nay vẫn có sức thu hút kỳ lạ đối với khách nước ngoài. Các chàng trai, cô gái phương Tây cảm thấy vô cùng thích thú khi được sờ nắn, được thử chơi các nhạc cụ dân tộc trên phố Hàng Gai.
Họ cũng rất thích ngắm những đồ lưu niệm trên con phố Hàng Ngang, Hàng Đào; hay cố gắng một lần đặt chân vào căn nhà gỗ số 87 Mã Mây để hòa vào không gian rất Việt.
Trước khi đến Việt Nam, hầu hết những khách du lịch đều đã được bổ trợ những kiến thức về hoạt động mua bán tại đất nước bản địa. Người Việt có thói quen “thét giá cao”, điều đấy giờ đây không còn lạ lẫm với người nước ngoài. Khách du lịch cũng vì thế mà luôn suy tính cẩn thận trước khi mua một mặt hàng nào đó ở Việt Nam.
Họ hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng này nhiều khi còn hơn cả người bản địa, họ biết mua ở đâu thì sẽ có sản phẩm vừa rẻ, lại vừa chất lượng.
Chính vì thế, thay vì mua những mặt hàng thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, những hình lưu niệm xinh xắn trưng bày trong các khung cửa kính nơi phố cổ, khách phương Tây sẽ mua nó trong chuyến du lịch lên Sapa, và những tỉnh miền núi phía bắc.
Đã là “Tây ba lô” thì hầu bao cho hành trình đi phượt của mình cũng rất hạn chế. Chính vì thế hầu hết khi mua hàng, họ đều biết mặc cả, trả giá như người Việt vậy. Đó cũng chính là lý do mà nhiều chủ cửa hàng ở khu phố cổ tỏ ra không có thiện cảm với những vị khách được gán cho cái mác “Tây ba lô”.
Hầu hết những vị khách nước ngoài đều tỏ ra rất ấn tượng với những món ngon giữa phố phường Hà Nội. Beth, một thương nhân người Mỹ hưng phấn kể cho chúng tôi nghe những món ăn mà bà đã từng được thưởng thức ở phố cổ. “Bún riêu cua” được những ngón tay trái của bà nắn nót ghi vào quyển sổ của chúng tôi cùng với cách phát âm vô cùng thú vị khiến cho bất kỳ người nào nghe cũng phải phá lên cười.
Nghệ thuật kiếm chỗ uống bia vỉa hè
Văn hóa vỉa hè với những quán cóc nhỏ lẻ là một nét đặc trưng chỉ có ở Hà Nội. Đó cũng chính là lý do khiến cho bất cứ vị khách nước ngoài nào khi đến Việt Nam cũng đều mong muốn có được những trải nghiệm với nét văn hóa độc đáo này.
James, người London dẫu chỉ mới đặt chân tới Hà Nội chưa đến 10 tiếng đồng hồ đã vui vẻ chia sẻ với chúng tôi rằng: “Tôi mới đến Hà Nội sáng nay thôi, nhưng tôi thực sự ấn tượng khi dọc hai bên đường có những gánh hàng rong, những quán cóc rất nhỏ chỉ bán một số loại thức uống. Rất hay, và rất lạ, tôi đã thử nếm một ly cà phê vỉa hè. Thực sự rất thú vị!”.
Nhắc đến những hàng quán vỉa hè, có lẽ cái tên gần gũi và quen thuộc với bất cứ vị khách phương Tây nào, chính là con phố Tạ Hiện. Đây là điểm đầu và cũng là điểm cuối trong hành trình khám phá Hà Nội 36 phố phường cổ của du khách phương Tây.
Phố Tạ Hiện chỉ dài khoảng vài trăm mét với những ngôi nhà thấp đặc trưng của phố cổ, nhưng lại vô cùng nổi tiếng với những quán bia cỏ. Hầu hết mọi người đều nghĩ về con phố này như một điểm tụ hội của những vị khách phương Tây, và du khách cứ đến phố Tạ Hiện là sẽ được phục vụ bia một cách thoải mái…
Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Những quán bia trên phố Tạ Hiện rất “kén” trong việc tiếp đón những vị khách Tây; họ chỉ thích tiếp những người Việt, hoặc có chăng thì đó là khi những người khách Tây đi với người Việt, hay vào những hôm trời mưa, những hôm quán vắng khách… thì khách phương Tây mới được chào đón đúng mực.
Lý do vô cùng đơn giản: những cuộc vui của người Việt rất nhanh tàn, họ uống hết cốc này sang cốc khác, chai này đến chai kia, rồi ra về, hàng bia bán chạy với một tốc độ chóng mặt. Nhưng phong cách uống bia của người Tây thì lại khác.
Khi người Tây uống bia, họ thường uống rất ít, uống một chai, một ly hoặc vài ly thôi, nhưng họ lại ngồi rất lâu, theo kiểu vừa nhâm nhi vừa ngắm phố phường. Bất cứ người kinh doanh nào cũng đều cân nhắc hơn thiệt. Thành ra, nhiều khi những vị khách phương Tây thường phải dùng những cách thức riêng để cố gắng chen chân vào những hàng bia trên con phố này.
Martin, một vị khách đến từ San Francisco chia sẻ: “Thực ra bia ở phố Tạ Hiện không hẳn là đã ngon hơn những nhà hàng khác, nhưng chúng tôi rất muốn ngồi ở vỉa hè. Tôi thích không khí sôi nổi, đông đúc, ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ xíu, nhâm nhi bia mát rượi và ngắm phố cổ. Cho nên ngày nào, tôi cũng rủ người bạn Việt Nam cùng đến đây và tán gẫu”.
Nét tính cách hướng ngoại và mong muốn được hòa nhập vào cách sống của người bản địa là một điều thú vị mà những người phương Tây mang đến cho Hà Nội. Chính bởi thế mà văn hóa vỉa hè giống như một thứ ma lực đối với những vị khách từ bên kia bán cầu, không ngoại trừ họ là “Tây ba lô” hay là “Tây xịn”.
“Tây xịn” thường không có thói quen rong ruổi ở các khu phố, các quán vỉa hè nhiều như Tây ba lô, họ đi tham quan phố cổ thường theo những đoàn khách du lịch. Họ luôn bị những hàng quán vỉa hè lôi cuốn và phải nán lại thăm thú mỗi lần đi qua…”. Đó là kinh nghiệm mà chị Thu Quế nhận thấy được sau một thời gian làm công việc hướng dẫn viên du lịch.
Chị Quế kể cho chúng tôi nghe về cụ già Kenvin, người Scotland đã sinh sống ở Hà Nội một thời gian khá lâu, một cụ già mà bất cứ người dân nào trên con phố Tạ Hiện khi nhắc tới cũng đều xem như người thân.
Hầu như ngày nào, ông cụ cũng đều ngồi nhâm nhi một vài ly bia trên tuyến phố này, một điều gần như trái ngược với lối sống và sở thích của một người già. “Đáng lẽ ra người già họ thường không thích cuộc sống quá ồn ào, xô bồ, nhưng khi chứng kiến cuộc sống tại những con phố này, tôi mới nhận ra điều ngược lại, họ luôn bị chính cuộc sống nhộn nhịp của những quán xá vỉa hè phố cổ thu hút”, Chị Quế nói.
Ông cụ Kenvin vui vẻ chia sẻ với chúng tôi “Ở Hà Nội, thời tiết rất tốt, bia lại rất ngon, đặc biệt là không khí ở đây, tại những quán bia thì chỉ khi tôi đặt chân đến Việt Nam mới có thể cảm nhận được”.
Không chỉ có bia, vỉa hè Hà Nội còn có những quán cà phê, những quán nước nhỏ lẻ, nhưng không phải bất cứ địa điểm nào cũng đều thu hút khách Tây. Hai tuyến phố Mã Mây và Đào Duy Từ là nơi mà người Tây thường hay lui tới để thưởng thức cà phê vỉa hè, thưởng thức những thức uống dân dã như bao nơi khác: trà đá, trà chanh, nhân trần, chè xanh, nước sấu…
Sự thu hút của những hàng quán tại hai con phố này không nằm ở nguyên nhân thứ nước uống ở đây ngon, mà nằm ở chính bầu không khí. Không gian vỉa hè thoáng mát, lại là nơi tập trung nhiều quán bar, nhiều khách sạn dành cho “Tây ba lô”, họ tụ tập ở đây, cùng nhâm nhi những thức uống và cùng tán gẫu với bạn bè. Đó chính là phong cách “kiểu Tây ba lô”.
Đêm đến thì huyên náo quán bar, pub
Về đêm, khách phương Tây thường tìm đến những quán bar, pub, các vũ trường để hòa vào không gian vô cùng sôi động. Hoạt động này dường như đã trở thành thói quen, mà bất cứ người khách Tây nào dẫu đến Hà Nội đã lâu, hay chỉ lưu lại một vài ngày cũng không bao giờ bỏ qua.
Bar và pub, thậm chí là casino có nhiều loại, dành cho các tầng lớp người có mức thu nhập khác nhau. Những vị khách có điều kiện, thu nhập tốt hay lui đến các bar, club hay pub như Taboo hay Hanoi Rock city ở hồ Tây, Rooftop (Lý Thường Kiệt), Solace (Chương Dương Độ)… Số còn lại, những khách “Tây ba lô thì hay đến những nơi rẻ hơn ở Mã Mây, Hàng Buồm, Tạ Hiện, Bảo Khánh, Lương Ngọc Quyến…
Chính vì thế có thể nói bar, pub trong lòng phố cổ, chính là những tụ điểm của “Tây ba lô”. Họ thường hay lui tới với những cái tên như Temple, Fat Cat, Drangonfly, Le pub…
Theo chân của Jordan (25 tuổi, du khách Mỹ) bước vào quán Amazon trên phố Lương Ngọc Quyến, chúng tôi nhận thấy được không khí vô cùng náo nhiệt tại đây. Anh cho biết những quán bar này đặc biệt tập trung rất đông khách vào dịp cuối tuần. Anh tâm sự thêm: “Hầu hết các quán bar ở phố cổ đều là những tụ điểm ăn chơi khá lành mạnh, không có tình trạng hút chích, khách cũng không được hút thuốc trong các bar, chỉ có shisa, và đồ uống có cồn”.
Hanoi backpackers hostel mặc dù là một khách sạn, nhưng tại đây cũng là địa điểm vui chơi nổi tiếng mà dân “Tây ba lô” đều tìm hiểu kỹ trước khi đến Việt Nam.
Nằm trên con phố Mã Mây nổi tiếng, quang cảnh tại Hanoi backpackers hostel về đêm vô cùng nhộn nhịp. Từ bên trong, âm nhạc và không gian gần như chỉ dành cho những du khách phương Tây, người Việt rất ít. Phía ngoài là những tốp người tụ tập, rôm rả trò chuyện, hoặc ngồi ngay phía ngoài cửa hút thuốc, uống bia…
Những quán bar khác cũng luôn luôn tập trung đông đúc những vị khách phương Tây, và cả những người Việt. Chị Lan Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hưng phấn nói: “Vào bar dành cho khách Tây này thậm chí còn rẻ hơn so với việc chúng tôi đi chơi tại những bar lớn dành cho người Việt.
Tùy vào từng loại đồ uống, mà giá sẽ dao động từ 70 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Trong khi đó, mỗi lần vào các quán bar lớn dành cho người Việt, tôi phải mất ít nhất từ 1 triệu đồng trở lên”.
Vào những quán bar, club, pub… đó là thói quen của khách phương Tây, nó thể hiện rõ nét tính cách và khả năng hòa nhập của những du khách khi tới Việt Nam.
“Tôi cảm thấy rất vui và hưng phấn mỗi khi đến những quán bar này, vì tại đây tôi tìm thấy được những người bạn của mình ở một đất nước khác, chúng tôi cũng được giao lưu với nhiều người bản địa, hiểu được cách mà họ vui chơi tại các quán bar. Chỉ có điều, hầu hết các quán bar ở Hà Nội đều đóng cửa khá sớm, thường là vào 12 giờ đêm, trong khi chúng tôi vẫn thường vui chơi ở những quán bar đến 4, 5 giờ sáng mới về tại đất nước của mình”, Jordan chia sẻ.