Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 18-1 cảnh báo Trung Quốc không nên thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp người đồng cấp Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đang ở thăm Washington, bà Clinton tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Nhật Bản trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc về chủ quyền Senkaku.
Bà nhấn mạnh: “Dù Mỹ không đứng về phía nào về vấn đề chủ quyền của Senkaku, chúng tôi thừa nhận quần đảo này đang thuộc sự quản lý của Nhật Bản. Chúng tôi phản đối mọi hành động đơn phương nhằm phá hoại sự quản lý đó”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp báo hôm 18-1 Ảnh: REUTERS |
Trong động thái cho thấy sự ủng hộ này, Mỹ đã mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Washington hội đàm với Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 2.
Hãng tin Kyodo nhận định đây là lần đầu tiên bà Clinton đề cập rõ ràng sự phản đối của Mỹ đối với việc thay đổi hiện trạng quản lý của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku. Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ thúc giục Tokyo và Bắc Kinh giải quyết vấn đề Senkaku thông qua đối thoại.
Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích Nhật Bản sau khi nước này quốc hữu hóa hầu hết Senkaku vào tháng 9 năm ngoái. Trong vụ việc mới nhất, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 3 tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku hôm 19-1. Tokyo ngay lập tức đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh vì vụ xâm phạm này.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono tại Jakarta hôm 18-1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN để bảo đảm an ninh biển được bảo vệ bằng pháp luật chứ không phải vũ lực.
Theo ông Abe, Nhật ủng hộ sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương để tham gia nỗ lực nói trên. Trong một tuyên bố nhằm vào Trung Quốc, ông Abe cho rằng các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở châu Á phải được giải quyết theo luật pháp và Bắc Kinh phải hành xử có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, Tổng thống Yudhoyono nhận định: “Nếu có bất kỳ vấn đề gì, dù diễn ra ở biển Đông, Đông Á hoặc bất kỳ nơi nào tại châu Á, giải pháp phải mang tính hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và không được viện tới lực lượng quân sự”.
Theo Kyodo, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe kể từ khi nhậm chức đã thành công trong việc củng cố hơn nữa quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN nhằm làm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng lấn tới trên biển. Trong chuyến công du này, ông Abe nhấn mạnh đến việc áp dụng luật pháp để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Theo NLD