“Quy hoạch ký ức”
Khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: Quân Nguyễn |
Theo TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: Thời gian qua, một trong những ví dụ tiêu biểu cho việc tiếng nói cộng đồng có ích và góp phần trong việc bảo vệ chút còn lại trong số không nhiều những công trình kiến trúc xưa ở TP.HCM, là việc UBND TP.HCM đã dừng dự án xây toà nhà cao tầng của một ngân hàng trong khuôn viên Trường Lê Quý Đôn; việc không xây thêm công trình cao tầng trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 2...
“Song, cũng phải nói thẳng, nhiều sự việc liên quan đến di sản, bảo vệ di sản diễn ra theo cách “lỡ rồi” - công trình mới xây rồi, nhà khảo cổ học mới được biết - TS Hậu nói - tình thế hiện nay của chúng ta là sửa sai cái cũ và tiếp tục bảo tồn cái còn lại một cách khoa học nhất... Vấn đề hiện nay là can thiệp làm sao để di sản không còn bị biến mất một cách quá nhanh thôi”.
Ký ức của một cá nhân nằm trong khuôn khổ ký ức của cả một cộng đồng. Câu chuyện “quy hoạch ký ức”, nhất là của những con người sống trong khu vực có di sản ra sao là cả một khối vấn đề thú vị. Ví dụ giữa năm qua, người ta bàn nhiều tới chuyện cải tạo khu Chợ Lớn (quận 5) hay vấn đề giữ nét xưa của bến Bình Đông (quận 8).
Câu hỏi đặt ra là, sự hiểu biết của người dân sống trong khu vực có di tích cần bảo vệ tới đâu, làm sao giữ di tích mà vẫn hoà nhập nhịp sống hiện đại. Có thể ép họ (cộng đồng dân cư) sống như “ngày xưa” không? Tất nhiên là không. Kiểu sống xưa không thể tồn tại trong cuộc sống hôm nay.
“Đối với di sản sống, cần tìm ra nét đặc trưng, phương pháp bảo vệ đặc trưng phù hợp cuộc sống hôm nay. Cuộc sống biến đổi không ngừng. Những di sản, di tích còn lại là đã trải qua một quá trình biến đổi rồi...” - TS Nguyễn Văn Trọng nói.
Ảnh hưởng của người có tiền
Con người có thể giết chết di sản văn hoá một cách vô thức và có thức, nhiều khi là do can thiệp bằng sự thiếu hiểu biết. Vấn đề là ý thức cộng đồng quan trọng trong bảo vệ di sản. Và như vậy, cần một tầng lớp thị dân sống tử tế trong khu vực có di sản, di tích...
Ví dụ chùa Phụng Sơn - di tích văn hoá cấp quốc gia với các nhà dân nhiều năm qua điềm nhiên sống “bành trướng” trong khuôn viên chùa, chính quyền tới nay không sao “bứng” đi được.
Hay nói đến khu trung tâm TP.HCM, khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ cao thế, nay bị nuốt, như bị đè xuống bởi hai toà nhà xanh lè kính.
Khu vực trước Nhà hát TP: Toà nhà trước kia có tên Eden, nằm trong vùng đất “đất bờ xôi ruộng mật”, nên nhà đầu tư đã muốn xây cao hơn, giới làm nghề TP.HCM đấu tranh dữ dội với nhà đầu tư, đề nghị họ giữ lại một chút hơi hướng toà nhà xưa, yêu cầu quán cà phê Givral “hương vị thơm lừng trong trí nhớ” của bao thế hệ người Sài Gòn phải đặt ở vị trí cũ...
Người ta thường nói đến sự xâm thực văn hoá của quốc gia đối với quốc gia, nhưng trong một đất nước, ảnh hưởng văn hoá hay nói một cách thô sơ hơn là ý thích của người (có tiền) vùng này tới vùng kia là một sự thực hiển nhiên.
Trong vấn đề bảo vệ di sản sống không thể không tính đến điều này, nếu không, không chỉ biến mất di sản mà cả lối sống.Ví dụ, gần đây, người ta nói đến sự trịch thượng của việc cho rằng người giúp việc là người nông thôn lên làm “nhà quê hoá” Hà Nội.
Nhưng ở đây, trong vấn đề trung tâm Sài Gòn TP.HCM bị biến dạng, không thể không nói tới vấn đề “tế nhị”, đó là văn hoá của nhà đầu tư, ảnh hưởng văn hoá của người có tiền tới xây dựng công trình kiến trúc tại một thành phố.
Người ta cũng nói đến tham vọng ghi dấu tên mình trong cuộc đời bằng những dự án kiến trúc hoành tráng. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh chung, văn hoá vùng sở tại có đủ mạnh để “cảm hoá người nơi khác đến” hay không...
“Sau này, chúng tôi có hỏi thăm, được biết, bắt buộc phải xây vậy... Có lẽ giới kiến trúc sư cũng có cái “khó” của họ...” - TS Hậu nói.
Theo GS Nguyễn Đăng Hưng - kiều bào Bỉ: “Ngoài ý thức cộng đồng, tầm của nhà quản lý, văn hoá nhà đầu tư, còn phải bàn tới tính văn hoá của người làm công tác di sản. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ chỉ có những công trình trùng tu tôn tạo “giả cầy”...
Theo Laodong