Vừa qua, cổng thông tin của chính phủ Trung Quốc China.org.cn đưa tin tàu khu trục Thanh Đảo cùng 2 tàu hộ tống Yên Đài và Diêm Thành đã tiến vào biển Đông để tập trận gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhóm chiến hạm này thuộc Hạm đội Bắc Hải (NSF) đóng vai trò là lực lượng hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh và đảm trách hoạt động tại vịnh Bột Hải và vùng Hoàng Hải, phía đông Bắc Trung Quốc. Hạm đội Nam Hải (SSF) mới hoạt động tại biển Đông.
Vì thế, các chuyên gia quốc tế nhận định đây là một động thái bất thường của Trung Quốc nhằm thể hiện khả năng đẩy mạnh hoạt động hải quân tại biển Đông.
|
Phát biểu với Thanh Niên, chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, khẳng định: “NSF triển khai tàu chiến xuống biển Đông thực sự không bình thường”.
Theo đó, đây còn là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tập trung nhiều hơn vào vùng biển phía nam. Chuyên gia này phân tích thêm: “Trong trường hợp này, quân đội Trung Quốc chứng minh rằng họ có thể điều động những đơn vị xa xôi như NSF xuống hỗ trợ SSF tại biển Đông”.
Cùng quan điểm, GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Cuộc tập trận là đáng chú ý khi chỉ mình NSF thực hiện”. Ông xem đó là cách Bắc Kinh biểu dương sức mạnh.
Ngoài ra, TS James Holmes ở Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ phân tích: “Biển Đông rõ ràng là “sân khấu” quan trọng của Bắc Kinh, nơi cần tập trung hầu như hoặc tất cả lực lượng hải quân Trung Quốc để hành động. Theo đó, NSF cần làm quen với việc hoạt động tại khu vực này”.
Tuy nhiên, chuyên gia Koh đánh giá rằng: “Việc NSF tập trận tại biển Đông chỉ mang tính biểu tượng vì cuộc tập trận không có nhiều tàu chiến tham gia và hải quân Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn trong công tác hậu cần”.
Đẩy mạnh ngư chính
Tờ China Daily ngày 8.2 dẫn lời ông Ngô Tráng, Cục trưởng Cục Thủy sản Nam Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tuyên bố từ năm 2014 sẽ triển khai tàu ngư chính tuần tra hằng ngày trên biển Đông.
Nhận định với Thanh Niên về động thái này, chuyên gia Koh cho rằng đây là sự chuẩn bị của Trung Quốc để sẵn sàng cho những va chạm tại khu vực tranh chấp ở biển Đông.
TS Homles thì nhận định hành động trên của Bắc Kinh nhằm thiết lập đặc quyền tại khu vực tranh chấp, không thừa nhận tồn tại tranh chấp trên biển Đông.
Tương tự, GS Thayer đánh giá những tàu ngư chính trong vỏ bọc dân sự sẽ không chỉ “bảo vệ” ngư dân Trung Quốc mà còn nhằm ngăn chặn các nước lân cận thực thi chủ quyền trong khu vực tranh chấp trên biển Đông.
Liên quan đến biển Đông, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ ngày 7.2 công bố báo cáo về ước tính dự trữ dầu và khí đốt ở biển Đông.
Theo báo cáo, trữ lượng tại khu vực này lên đến 11 tỉ thùng dầu và 4.000 tỉ m3 khí đốt nhưng không có dấu hiệu chứng minh xung quanh quần đảo Hoàng Sa chứa dầu lẫn khí đốt.
Nhận định về báo cáo trên, giới chuyên gia quốc tế cho rằng những số liệu ước tính, dù không lớn hơn mức mà Bắc Kinh từng nhận định, vẫn có thể khiến tình hình biển Đông căng thẳng hơn.
Philippines loại bỏ địa cầu “đường lưỡi bò” Ngày 13.2, báo South China Morning Post đưa tin chính quyền Philippines vừa ra lệnh tất cả cửa hàng trên khắp nước này không bán các quả địa cầu có bản đồ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc sản xuất. Trong một diễn biến khác, nhật báo Manila Standard Today ngày 14.2 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tiết lộ nước này từ tháng 2 - 8.2014 sẽ tiếp nhận 10 tàu tuần tra mới do Nhật Bản cung cấp. Theo đó, Tokyo sẽ chuyển giao số tàu trên, có khả năng hoạt động đa nhiệm và trị giá khoảng 10 triệu USD mỗi chiếc, cho Manila thông qua chương trình cho vay ưu đãi. |
Cấm đánh bắt cá ở vịnh Thái Lan Vụ Thủy sản Thái Lan vừa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển thuộc vịnh Thái Lan kéo dài từ ngày 15.2 - 15.5. Lệnh này có hiệu lực trong vùng biển rộng 26.400 km2, nằm trong khu vực của 3 tỉnh miền nam: Prachuap Khiri Khan, Chumphon và Surat Thani. Vụ Thủy sản Thái Lan giải thích lệnh cấm nhằm bảo vệ thủy sản trong mùa sinh sản. Theo cơ quan này, nếu vi phạm sẽ bị phạt 10.000 baht (7 triệu đồng) hoặc phạt tù 1 năm. |
Theo Thanhnien