Thịt rừng... rởm ùn ùn xuống phố

Thứ sáu, 15/02/2013, 13:09
Chị bán hàng mời đon đả: "Heo rừng mới bẫy được. Mua đi anh!". Lật qua lật lại miếng thịt trên mâm, người đàn ông trung niên quay xe bỏ đi không một lời với người bán.

Đi một vòng quanh các chợ trong thành phố Nha Trang vào những ngày Tết và sau Tết, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những mâm thịt được bày bán đơn lẻ bên ngoài chợ. Người bán giới thiệu là thịt heo rừng được các “lâm tặc” bẫy được vào ngày trước đó.

Thịt rừng
Tiết đựng trong chai, lòng chứa đầy mâm, da heo thui vàng ươm và nhất là một lớp mỡ dưới da là những yếu tố khiến người mua không mặn mà với thịt rừng đầu năm. Ảnh: Lưu Thái Văn Chương

Theo quan niệm của người dân miền Trung, đầu năm ăn một miếng thịt rừng sẽ gặp may mắn trong suốt cả năm. Vì thế, năm nào cũng vậy, tại thành phố Nha Trang cứ từ mồng 3 Tết, thịt rừng được bày bán rất nhiều.

Những năm trước, chỉ vài ba người bày bán trên đường Lê Thánh Tôn, mâm thịt của họ còn đặt nguyên cả đầu heo rừng để đảm bảo thịt rừng chính hiệu.

Năm nay thịt rừng được mở rộng và lan tràn vào các chợ.

Thịt rừng
Heo rừng và các mặt hàng tràn xuống lòng đường trước chợ Vĩnh Hải. Người phụ nữ này cả tin mua về cho chồng ăn với hi vọng sẽ . . . hên cả năm. Ảnh: Lưu Thái Văn Chương

Sáng 15/2 (mồng 6 tết), chúng tôi có mặt tại đường 2-4, trước chợ Vĩnh Hải. Tại đây, nhiều người căng dù bày bán nhiều mặt hàng ngay dưới lòng đường, trong số đó có những mâm thịt được người bán tiếp thị là thịt heo rừng.

Có nhiều người ghé lại, lật qua lật lại miếng thịt rồi lặng lẽ bỏ đi.

Tiếp xúc với một người trong số họ, được biết đây không phải thịt heo rừng đánh bẫy mà heo nuôi từ trong các trang trại.

Thông thường heo rừng chính hiệu dưới lớp da là thịt nạc trong khi đó những miếng thịt được bày bán có lớp mỡ khá dày, chứng tỏ heo đã được vỗ béo.

Vị khách hàng giải thích thêm, trong một chuyến đi săn nếu bắt được con mồi, người thợ săn thường dành bộ đồ lòng (nội tạng) để dùng chứ không bán.

"Bây giờ kiểm soát gắt gao, nếu bẫy được thợ săn thường sả thịt tại rừng rồi chia nhỏ mang về để qua mặt các chốt kiểm lâm. Còn ở đây, thịt rừng vẫn còn nguyên cả tiết, cả lòng, da thì thui vàng, rõ là heo rừng nuôi. Mà đã heo nuôi thì dù có heo rừng cũng thành heo nhà thôi...", vị khách này khẳng định.

Theo VNN

Các tin cũ hơn