Chất bột trắng là phèn hoặc sulfat đồng
Thông tin cơ quan chức năng thành phố Tô Châu, Chiết Giang, Trung Quốc vừa phát hiện hạt hướng dương chứa chất phèn nhôm dễ gây teo não khiến nhiều người tiêu dùng trong nước lo lắng. Chị Nguyễn Mai Hoan (Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, khi nghe thông tin đó chị không những không dám ăn hạt hướng dương mà còn e dè khi sử dụng các thực phẩm khác.
Cụ thể, hiện cà chua bán trên thị trường thường có lớp bột màu trắng ngà bám bên ngoài vỏ. Theo giải thích của người bán hàng, chất này có thể là phèn chua được dùng để chống sương. Ngoài ra, các thực phẩm như bóng bì, bánh đúc, ô mai... đều sử dụng phèn chua làm phụ gia. Thậm chí, nước cũng được sử dụng phèn chua để làm sạch.
Ảnh minh họa |
“Tìm hiểu từ người trồng cà chua, tôi được biết lớp bột màu trắng ngà phủ trên cà chua chính là phèn chua. Người ta phun phèn để tránh sương lạnh. Tại một số nơi, người dân trồng cà chua không phun lên khu vực họ sử dụng quả để ăn” - chị Nguyễn Mai Hoan nói.
Ngày 28.2, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Điền- Công ty thực phẩm, hoa quả Hà Nội- cho biết: Việc sử dụng phèn chua để chế biến thực phẩm khá phổ biến, nhưng chưa thấy phản ánh cấm hay gây tác hại cho người dùng. Riêng cây cà chua, lớp màu trắng vàng nhạt đọng trên quả có thể là phèn chua, nhưng phần lớn người trồng sử dụng sulfat đồng hay còn gọi là thuốc boócđô- gồm hai thành phần chính là vôi sống và sulfat đồng.
Có gây độc không?
Phân tích sâu hơn về các thành phần hóa học, PGS-TS Trần Hồng Côn- khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)- cho rằng, phèn nhôm có trong hạt hướng dương được cho là độc cũng chính là phen chua hiện nay chúng ta đang rộng rãi sử dụng.
Phèn chua là hợp chất được dùng trong nhiều khâu của chế biến thực phẩm như làm mứt, làm sạch nước... Và trong quy định các chất độc hại không bao gồm phèn chua, chỉ khuyến cáo sử dụng tồn dư trong thực phẩm không quá lớn trong thực phẩm.
“Các loại hoa quả, thực vật muốn làm mứt phải sử dụng phèn chua. Bởi phèn chua sẽ giúp protein co cụm giúp thực vật cứng khi nấu, không bị nhừ. Phèn chua được ứng dụng lâu dài trong dân gian nên rất hạn chế độc” - PGS-TS Trần Hồng Côn cho biết.
Phèn chua cũng được sử dụng trong bảo quản cà chua, nhưng rất ít. Nếu sử dụng cũng không ảnh hưởng sức khỏe như nhiều người lo lắng. Thay vào đó, thuốc boócđô (còn gọi là sulfat đồng) được người trồng sử dụng như truyền thống để xử lý bệnh xoăn lá.
Quy định có đề cập đến hàm lượng gây độc của sulfat đồng. Nếu ở mức độ cao, sulfat đồng có thể gây nôn mửa, nhưng không gây chết người. Riêng tồn dư trên cây cà chua thì người dân không quá lo lắng, bởi sulfat đồng là chất vô cơ, chủ yếu bám trên lá do có nhiều lông tơ, còn trên quả bám vào nhưng ít và độ thẩm thấu qua màng quả không cao. Để hạn chế, người dân chỉ cần ngâm cà chua vào nước, rửa sạch dưới vòi nước xối là được.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, phèn nhôm gồm hai loại phèn đơn (nhôm sulfat) và phèn kép (nhôm kali, nhôm amon sulfat) hoặc dung dịch phèn nước (thông thường là dung dịch phèn nhôm sắt, được sử dụng để lắng trong nước sinh hoạt). Tuy nhiên, trong sản xuất và chế biến thực phẩm, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng 2 loại là kali nhôm sulfat và amoni nhôm sulfat. Bột talc cũng có loại chỉ để dùng trong sản xuất và chế biến thực phẩm, nằm trong danh mục phụ gia cho phép. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu và kiểm tra hạt hướng dương trên thị trường, đặc biệt đối với loại hạt đã chế biến nhập từ Trung Quốc. |
Theo NLD