Hệ thống hộ khẩu được áp dụng từ năm 1958 đã chia 1,3 tỷ dân Trung Quốc thành hai khu vực: nông thôn và thành thị.
Vì hệ thống này mà gần 800 triệu dân nông thôn không được quyền cư trú hợp pháp ở thành thị, không được hưởng các phúc lợi, dịch vụ ở thành phố.
Dân làng Trung Quốc đi ngang khu nhà mới xây ở làng Yuantun, thành phố Jiaozuo,
tỉnh Hà Nam (tỷ lệ dân thành thị của tỉnh này hiện là 42,2%)
Trong báo cáo công tác của chính phủ đọc trước quốc hội hôm 5/3, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo nhấn mạnh những vấn đề lớn mà thế hệ lãnh đạo mới phải giải quyết, trong đó có kế hoạch thúc đẩy đô thị hóa kéo dài 10 năm.
Để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, chính phủ phải cải cách hệ thống hộ khẩu, cho phép những người lao động nông thôn đủ tiêu chuẩn trở thành cư dân đô thị vĩnh viễn, tăng cường cung cấp các dịch vụ công cơ bản ở đô thị cho công nhân di cư…, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói. Tuy nhiên, kế hoạch bỏ hệ thống hộ khẩu chưa được công bố.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng, hệ thống hộ khẩu đã trở nên lỗi thời vì khoảng 200 triệu dân nông thôn đang làm việc ở thành thị phải chi phần lớn thu nhập cho nhiều dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục… dành cho trẻ nhỏ, trong khi người thành thị lại được miễn phí.
Trung Quốc dự tính chi 40.000 tỷ nhân dân tệ (6.000 tỷ USD) để biến 400 triệu dân trở thành người thành thị trong vài thập kỷ tới.
Thế hệ lãnh đạo mới đang nỗ lực đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới với tầng lớp thị dân có sức tiêu thụ mạnh.
Theo nhiều nhà phân tích, nếu các nhà làm chính sách có thể xử lý tốt vấn đề nhân khẩu, Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nếu không, sự phân biệt đối xử đó sẽ dẫn tới bất ổn xã hội và chính trị.
Theo Tienphong