Trao đổi với PV Dân trí, bà An cho biết, nguyên tắc là phải quản lý từ gốc, quản lý mũ bảo hiểm (MBH) có 2 cái gốc là gốc sản xuất và gốc lưu thông.
Để cho MBH giả tràn lan trên thị trường là do cơ quan kiểm định chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) và lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương). Đây là những người được Nhà nước và nhân dân giao trách nhiệm, tạo mọi điều kiện, trang bị phương tiện kỹ thuật, trả lương... để thực thi nhiệm vụ, nhưng họ đã không làm tốt.
MBH bán tràn lan trên thị trường, khó có thể phân biệt được thật-giả(Ảnh minh họa: Tiến Nguyên). |
“Lực lượng có trách nhiệm phải khống chế đầu ra của sản xuất, phải đánh giá kiểm tra không cho kinh doanh buôn bán loại mũ này. Vậy nhưng, thực tế là tình trạng mũ giả, mũ kém chất lượng bày bán công khai và tràn lan từ lâu nay. Không quản lý được sản xuất, không quản lý được thị trường thì chính họ phải có trách nhiệm, phải bị xử lý chứ không thể đổ lên đâu người dân được.” - bà An khẳng định.
Về việc xử phạt người tham gia giao thông đội MBH giả, bà An cho rằng, điều đó là không khả thi, vì lỗi không phải từ người dân, họ thấy bán thì mua và khi mua họ không biết đó là mũ giả, họ cũng không biết người bán là ai để quy trách nhiệm về việc này.
Bà An lý giải: “Không ai muốn giao phó tính mạng của mình cho cái MBH giả, nhưng vì sao người dân họ lại đội những cái mũ ấy?
Lí do là họ không thể phân biệt được thật - giả, vì mũ được bày bán công khai trên thị trường mà các lực lượng chức năng cũng không có động thái cấm, vì trình độ dân trí không đồng đều nên họ không biết hiểu thế nào cho đúng nghĩa mũ hợp quy chuẩn, vì nông dân họ bán được gánh cà chua nên chỉ có thể mua được một cái mũ hợp với túi tiền của họ...
Ngay cả các nhà khoa học cũng phải có thông số kỹ thuật hay giải pháp khác chứ nếu chỉ nhìn bằng mắt thường cũng không thể phân biệt được đâu là mũ giả, đâu là mũ thật. Không thể bắt người dân trở thành nhà thông thái, càng không thể yêu cầu người dân phải chịu trách nhiệm về MBH giả.”
Liên quan đến con số hơn 90% người tham gia giao thông đội MBH, nhưng có tới 70% là MBH giả và kém chất lượng, bà An cho rằng lỗi ở đây là do việc quản lý gốc sản xuất và gốc lưu thông, mà cụ thể là người kiểm định chất lượng và quản lý thị trường.
“Phải xử lý người có trách nhiệm trước tiên rồi mới đến những người tham gia giao thông cố tình vi phạm.” - bà An khẳng định.
Về giải pháp giải quyết vấn đề MBH giả, theo bàn An cần phải quản lý tốt khâu sản xuất, phải quản lý được đầu ra, kênh phân phối và buôn bán trên thị trường, thậm chí là phải kiểm soát chặt chẽ các loại mũ nhập lậu qua nhiều con đường vận chuyển như đường thủy, hàng không...
Theo Dantri