SPP nhấn mạnh năm nay các công tố viên sẽ tiếp tục chú trọng vào các vụ tham nhũng gây tổn hại đến lợi ích công. Viện trưởng Tào Kiến Minh cũng cảnh báo SPP sẽ tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong công tác của chính các công tố viên.
Quan chức này nhận xét: "Một số nhỏ công tố viên đã lạm dụng quyền lực, không tuân thủ các nguyên tắc công tác hay dùng quyền để trục lợi riêng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của việc thực thi pháp luật".
Kể từ năm 2008, các công tố viên Trung Quốc đã điều tra khoảng 13.000 quan chức từ cấp huyện trở lên do những đối tượng này dính líu đến các hành vi phạm pháp có liên quan đến chức vụ, công việc. Lực lượng kiểm sát nước này đã có những nỗ lực lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Khoảng 19.000 đối tượng hối lộ bị đưa ra tòa xét xử trong 5 năm qua. Ngoài ra, đã có khoảng 36.900 quan chức và 12.894 nhân viên pháp luật cũng bị điều tra trong nỗ lực chống nạn tham nhũng trong hệ thống pháp luật.
Các đại biểu TQ tham dự một kỳ họp quốc hội không tiệc tùng.
SPP đã thiết lập một website và một đường dây nóng chống tham nhũng, đồng thời cải thiện công tác thu thập bằng chứng, bảo vệ người tố giác và các nhân chứng. Một hệ thống dữ liệu toàn quốc về các vụ tham nhũng, hối lộ đã được xây dựng với hơn 2 triệu lượt tra cứu.
Trong một diễn biến khác, tạp chí Hurun đã công bố 90 đại biểu Quốc hội Trung Quốc nằm trong danh sách 1000 người giàu nhất nước. Con số này tăng 15 người so với năm ngoái, theo Bloomberg. Những người trong danh sách của Hurun đều có tài sản ít nhất 1,8 tỷ NDT (289,4 triệu USD), cao hơn cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa - Mitt Romney (254,1 triệu USD).
Việc tăng cường đại biểu giàu có là nỗ lực của Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm giảm tình trạng tham nhũng và khoe của. Đồng thời, động thái trên cũng mang tới hy vọng về việc quốc hội nước này sẽ đón nhận nhiều hơn những tiếng nói từ nền kinh tế.
Trong khi đó, mới đây các quan chức của Trung Quốc nhận được chỉ thị từ Chủ tịch Tập Cận Bình là thực hành tiết kiệm, thực thi lối sống khiêm tốn, không tiệc tùng, rượu chè xa hoa.
Chỉ thị của ông Tập Cận Bình một phần xuất phát từ vụ bê bối năm ngoái liên quan đến cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và gia đình nổi tiếng của ông này.
Chỉ thị thắt lưng buộc bụng được ông Tập Cận Bình đưa ra đúng vào lúc các quan chức, đại biểu từ khắp Trung Quốc về Bắc Kinh tham dự kỳ họp Quốc hội. Vì thế các đại biểu đã tránh phô trương lộ liễu và vung tay quá mức.
Tuy nhiên, trước đó vào tối ngày 5/3 - ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới - các phòng ăn chung gần như trống rỗng tại khách sạn Bắc Kinh. Nhưng cầu thang máy thì không. Nó đầy ắp các đại biểu và khách lưu trú. Họ lên phòng riêng.
Tại Tian Di Yi Jia, một nhà hàng xa xỉ gần đó mà các quan chức khá yêu thích, có cả chục chiếc Audi và BMW đỗ kín đáo phía ngoài. Bên trong, chỉ có một bàn ăn dành cho khách nước ngoài đặt ở phòng chính, nhưng số lượng người đặt chỗ trước ở rất nhiều phòng riêng đã kín chỗ trong suốt thời gian họp Quốc hội (sẽ kết thúc vào ngày 17/3).
Willy Lam, chuyên gia chính trị tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong cho rằng: “Có 1.001 cách để che giấu các kiểm toán viên. Và chiến dịch sẽ hầu như không ảnh hưởng tới sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc", ông nói.
Trong tháng 2, Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra báo cáo rằng, doanh số tiêu thụ rượu cao cấp trên toàn quốc giảm khoảng 30% dịp tết Nguyên đán. Tiêu thụ đồ ăn cao cấp cũng giảm 35% ở Bắc Kinh và 20% ở Thượng Hải.
Theo Cheng Li, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại viện Brookings, mặc dù các nhà phân tích độc lập đã xác nhận sự sụt giảm đáng kể trên thị trường hàng hóa xa xỉ, nhưng điều đó không có nghĩa là các biện pháp tiết kiệm sẽ dẫn đến sự thay đổi thể chế và ràng buộc với các quan tham trong dài hạn.
Theo Phunutoday