Nhật Bản kỷ niệm 2 năm thảm họa sóng thần

Thứ hai, 11/03/2013, 08:55
Nhật Bản hôm nay tổ chức kỷ niệm thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011 cướp đi sinh mạng của gần 19.000 người và gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong một thế hệ.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ tổ chức một buổi lễ tưởng niệm 15.881 nạn nhân sóng thần đã chết và 2.668 người khác vẫn còn mất tích ở Tokyo với sự tham dự của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko.

Ngày 11/3/2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất mạnh 9 độ richter ở ngoài khơi vùng biển phía đông bắc Thái Bình Dương. Trận động đất đã tạo ra cơn sóng thần chết chóc tàn phá nặng nề các khu vực ven biển trong khu vực và phá hủy nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, dẫn đến thảm họa rò rỉ hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện Chernobyl vào năm 1986.

Cách đây đúng 2 năm, thảm họa kép sóng thần, hạt nhân đã giết chết hàng
chục nghìn người Nhật Bản.

Sau thảm họa kép, theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, có thêm 2.303 người chết vì áp lực cuộc sống, suy sụp, đau khổ và không vượt qua được cú sốc về tinh thần. Những nỗ lực để tái thiết các khu vực bị tàn phá và ảnh hưởng trong thảm họa kép – sóng thần, hạt nhân – được cho là vẫn còn khá chậm.

Hiện nay vẫn còn 315.196 người Nhật chưa có nhà ở, nhiều người phải sống tạm bợ trong những khu ổ chuột chật chội, rách nát. Một bộ phận cộng đồng các nạn nhân sóng thần có quyết tâm muốn tái thiết lại quê hương, xây dựng lại nhà cửa ngay trên vùng đất mà nhiều thế hệ trong gia tộc đã sinh sống. Trong khi đó, một bộ phận khác lo sợ động đất, sóng thần, muốn di chuyển cộng đồng lên các đất cao hơn, an toàn hơn.

Nhiều người trẻ tuổi đã rời khỏi quê hương, đặc biệt là những khu vực có mức phóng xạ hạt nhân Fukushima cao để bắt đầu tìm kiếm cuộc đời mới. Chính phủ Nhật cho biết hiện nay nhà máy Fukushima đã được ổn định và không còn khả năng rò rỉ các chất phóng xạ.

Lương thực, thực phẩm từ trong khu vực này cũng được kiểm tra phóng xạ chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tránh dùng các sản phẩm có xuất xứ từ Fukushima, khiến ngành công nghiệp chăn nuôi của địa phương điêu đứng.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cần tới 4 thập kỷ để tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân bị tê liệt trong khi nước này vẫn chưa quyết định chắc chắn và dứt khoát về việc liệu có tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân để duy trì sức mạnh của nền kinh tế thứ 3 của thế giới.

Hiện mới chỉ 2 trong số 50 lò phản ứng hạt nhân thương mại được khởi động lại nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn. Bất chấp sự phản đối của người dân, do không có lựa chọn thay thể khả thi lại thêm việc Thủ tướng Shinzo Abe, người có quan điểm ủng hộ hạt nhân lên cầm quyền, nhiều người cho rằng, trong thời gian tới, Tokyo sẽ kích hoạt lại nhiều lò phản ứng hạt nhân khác.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn