Báo động tai nạn lao động

Thứ ba, 19/03/2013, 08:47
Tai nạn lao động tại Việt Nam đang ngày càng nổi lên như một thách thức, với tính chất nghiêm trọng về số thương tật, tử vong, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội.  

Đáng chú ý, theo công bố mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khai thác khoáng sản và xây dựng đứng đầu về số vụtai nạn lao động.

Tai nạn lao động ngày càng nghiêm trọng

Tai nạn lao động
Điều kiện làm việc thiếu an toàn dẫn tới tai nạn lao động thảm khốc tại mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) - Ảnh: K.Hoan

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong lĩnh vực công nghiệp, mỗi năm có khoảng 40.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến từ 1.500 đến 2.000 người chết và mắc bệnh nghề nghiệp.

Những ngành, nghề để xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2012 vẫn là lao động giản đơn trong khai thác khoáng sản, xây dựng, hóa chất...

Trong đó, lĩnh vực khai thác khoáng sản nói chung và khai thác đá nói riêng luôn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 18 - 20% tổng số vụ TNLĐ.Nghiêm trọng nhất là vụsập mỏ đá tại Lèn Cờ (Nghệ An) khiến 18 người chết và nhiều người khác bị thương.

Ở ngành xây dựng, tai nạn và bệnh nghề nghiệp đang có chiều hướng gia tăng trong các năm gần đây. Năm 2011 số vụ tai nạn đã tăng 265% so với năm 2000. Các trường hợp xảy ra tai nạn nhiều là ngã trên cao xuống (28,4%), sập đổ công trình, vật đè (18%), điện giật (16,4%)...

Còn trong ngành hóa chất, chỉ riêng Tập đoàn hóa chất trong 5 năm (2008 - 2012) xảy ra 157 vụ TNLĐ. Tình trạng nhiễm độc,ngộ độc do hóa chấthiện nay ở mức báo động. Tình trạng ngộ độc, nhiễm độc ở các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất như sản xuất dẻo, in bao bì, giày, da và nhiễm độc hóa chất qua thức ăn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi, có nhiều vụ rất nghiêm trọng.

Chỉ ra nguyên nhân gia tăng các vụ TNLĐ trong 3 ngành trên, bà Đỗ Thị Thúy Nguyệt - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) còn lỏng lẻo.

Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng công tác này. Mặc dù các văn bản pháp luật, những quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật ở 3 lĩnh vực nêu trên là khá đầy đủ, song trên thực tế, người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) được tiếp cận rất ít hoặc biết không đầy đủ.

Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ chưa đầy đủ. Lao động trong các ngành có nguy cơ cao như khai thác mỏ, xây dựng thường có hợp đồng ngắn hạn, thời vụ, xuất thân từ nông thôn, thiếu kỹ năng làm việc và kỷ luật lao động thấp.

Công tác thanh tra và kiểm tra về ATVSLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu. Bà Nguyệt nhấn mạnh: “Tính đến cuối năm 2011, thanh tra trên cả nước có 430 người, kể cả lực lượng gián tiếp. Trong khi đó, rất ít đơn vị trong số 600.000 doanh nghiệp được thanh tra hằng năm. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về ATVSLĐ chưa nghiêm, không đủ sức răn đe, khiến tình trạng vi phạm pháp luật còn rất phổ biến, có lúc, có nơi hết sức nghiêm trọng”.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thái Hòa - điều phối viên quốc gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về ATVSLĐ - lo ngại điều kiện làm việc thiếu an toàn trong các ngành này gây ra rất nhiều rủi ro có thể dẫn tới TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp bất cứ khi nào.

Qua số liệu thống kê cho thấy, số vụ TNLĐ và ca mắc bệnh nghề nghiệp trong các ngành này, đặc biệt là ngành khai thác mỏ và xây dựng, có xu hướng gia tăng với những tác động nghiêm trọng hơn.

Sẽ quá muộn nếu không cải thiện

Tại hội thảo khu vực “Tăng cường hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” vừa tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước (14 - 15/3), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Bùi Hồng Lĩnh, cho hay Việt Nam đứng sau nhiều nước trên thế giới, bao gồm phần lớn các nước trong khu vực, về ATVSLĐ.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB-XH, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề này. Một trong những dự án được ILO và chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nhằm cải thiện ATVSLĐ trong các ngành có nguy cơ cao khởi động trong năm 2012 và kéo dài 3 năm.

Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết phía ILO sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống huấn luyện quốc gia về ATVSLĐ cho NLĐ trong lĩnh vực xây dựng và sẽ thí điểm triển khai tại 5 tỉnh để rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, một trong những biện pháp được ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Quốc gia Văn phòng ILO tại Việt Nam, khuyến nghị đó là  tăng cường nhận thức về ATVSLĐ không chỉ ở nơi làm việc, mà còn ở phạm vi lớn hơn.

“ Phần lớn các vụ TNLĐ có nguyên nhân từ chính con người. Do đó chúng ta cần vươn tới từng gia đình, cộng đồng và trường học, nơi tài sản quý giá nhất của chúng ta - những thanh thiếu niên - đang học tập và chuẩn bị bước vào thị trường lao động”, ông nói.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn