Cách câu cũng không phải gắn mồi thông thường mà dùng lưỡi câu chùm (gồm năm lưỡi câu kết chùm lại với nhau) quăng xuống nước và giật. Cá mắc câu thường bị dính ngang lưng, ngang bụng.
Phản cảm
Hằng ngày, đoạn dưới chân cầu Kiệu (P.2, Q.Phú Nhuận) có rất nhiều người dùng lưỡi câu chùm câu cá. Vài ba phút lại có một chú cá xấu số bị móc ngang lưng giãy đành đạch.
Ông N.V. cho biết trước đây ngồi câu cả ngày cũng chỉ được dăm con cá trê, “nhưng từ khi dùng loại lưỡi câu chùm này thì số cá bắt được nhiều hơn rất nhiều”. Vẫn theo ông, có khi chỉ một giờ đã bắt được cả xô cá đầy. Gặp lúc thủy triều xuống, đàn cá bị đuối sức nên nhiều người đã lội xuống bắt cá bằng tay.
Nhiều người câu cá trên kênh Nhiêu Lộc, đoạn quận Phú Nhuận, TP.HCM
Ông Trần Văn Đoàn (53 tuổi, ngụ P.1, Q.Bình Thạnh) cho biết do thường xuyên tập thể dục ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nên ông rất vui mừng khi thấy cá bắt đầu xuất hiện trên kênh thời gian qua. Khi thấy người nước ngoài cũng ra đây ngắm cá vào mỗi buổi chiều, ông cảm thấy rất tự hào về sự hồi sinh của một dòng kênh vốn trước đây được mệnh danh là “dòng kênh chết”.
Thế nhưng, việc một số người đánh bắt cá gần đây càng diễn ra rầm rộ, gây hình ảnh phản cảm. Một số người dân do quá bức xúc đã dùng gạch đá ném những người đánh bắt cá, xua đuổi họ đi chỗ khác. Theo ông Đoàn, cơ quan chức năng nên có hành động ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá trên tuyến kênh này.
Tình trạng này cũng diễn ra trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (dọc đại lộ Võ Văn Kiệt), kênh Tẻ (giáp ranh Q.4 và Q.7).
Chưa có quy định, khó xử phạt
Ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho rằng cá xuất hiện trên các dòng kênh là tín hiệu vui. Ông nói: “Tôi cho rằng những người đi câu cá chủ yếu để tiêu khiển cho vui. Còn những người dùng lưới đánh bắt cá để bán mới là điều khó chấp nhận” - ông Kỷ nói.
Theo ông Kỷ, hiện nay Nhà nước chỉ cấm sử dụng bình điện đánh bắt cá và các đơn vị chức năng có thể xử phạt hành vi này, chưa có quy định xử phạt khi dùng lưới đánh bắt cá. Vì vậy, trước mắt sở sẽ tìm hiểu việc dùng lưới đánh bắt cá, sau đó sẽ có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tuyên truyền vận động người dân và treo bảng cấm sử dụng lưới đánh bắt cá.
Ông Nguyễn Bật Hận - phó thanh tra Sở GTVT - cho biết theo quy định của UBND TP, thanh tra sở chỉ xử phạt những người sử dụng lưới đánh bắt cá trên các tuyến đường thủy nội địa vì có hành vi gây cản trở giao thông thủy.
Theo đó, các tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và kênh Bến Nghé nằm trong danh mục tuyến đường thủy nội địa, nếu người dân sử dụng lưới đánh bắt cá trên các tuyến kênh này sẽ bị xử phạt. Riêng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm là tuyến kênh thoát nước nên lực lượng thanh tra sở không thể xử phạt các hành vi sử dụng lưới bắt cá.
“Chính quyền các địa phương nên treo bảng cấm đánh bắt cá bằng lưới thì các đơn vị chức năng mới có cơ sở xử phạt những người vi phạm” - ông Hận gợi ý.
Ở góc độ quản lý của địa phương, ông Nguyễn Đông Tùng, chủ tịch UBND P.2, Q.Phú Nhuận, nói việc câu cá giải trí của người dân không ảnh hưởng gì nhiều đến dòng kênh nên địa phương không nhắc nhở. Tuy nhiên, nếu dùng chài lưới để đánh bắt cá trên dòng kênh này là việc làm không thể chấp nhận được.
Theo Tuoitre