Bristow là nhà cung cấp hàng đầu các dịch vụ máy bay trực thăng cho ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi, sau bốn năm nữa sẽ thực hiện các dịch vụ mà chủ yếu do Không quân và Hải quân Hoàng gia Anh đã thực hiện trong suốt 70 năm qua.
Máy bay cứu hộ Sea King
Sau khi Bộ Giao thông Anh công bố hợp đồng trị giá 1,6 tỷ bảng hôm 26/3, các chuyên gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, các bác sỹ, nhân viên trong ngành công nghiệp hàng hải Anh đã bày tỏ lo ngại trước việc tư nhân hóa dịch vụ này.
Họ cho rằng một dịch vụ có tính thương mại sẽ khác với dịch vụ do nhân viên quân sự và phi hành đoàn đảm nhiệm. Họ cũng lo ngại rằng kế hoạch cắt giảm hai trong tổng số 12 căn cứ cứu hộ và cứu nạn, trong đó có cả Portland nằm ven bờ biển nước Anh, sẽ khiến một số nơi bị bỏ trống.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Anh cho rằng cần thiết phải làm như vậy vì phi đội máy bay trực thăng nổi tiếng trong công tác cứu hộ Sea King đã gần hết thời gian sử dụng.
Trong khi đó, theo hợp đồng này, Bristow sẽ thay thế máy bay Sea King bằng 22 máy bay hiện đại hơn, như loại Sikorsky S-92s và AgustaWestland 189s. Theo đó, 22 máy bay trực thăng có công nghệ tối tân hiện đại này sẽ hoạt động ở 10 địa điểm trên khắp nước Anh.
Hiện tại, máy bay trực thăng mất khoảng 30 phút để đến được khoảng 70% khu vực nguy hiểm trong vùng cứu nạn cứu hộ ở Anh. Theo hợp đồng này, với cùng khoảng thời gian như trên, máy bay trực thăng mới sẽ đến được 85% địa điểm trong khu vực cần cứu nạn cứu hộ.
Hiện nay, Không quân Hoàng gia và Hải Quân Hoàng gia Anh đang điều hành 8 cơ sở cứu nạn cứu hộ và 4 cơ sở còn lại là dịch vụ dân sự do Cơ quan Hàng hải và Tuần tra ven biển quản lý.
Tập đoàn Bristow đã điều hành hoạt động cứu nạn cứu hộ 24 năm ở Anh, có 44.000 giờ bay, tiến hành hơn 15.000 cuộc tìm kiếm, trong đó hơn 7.000 người đã được cứu thoát.
Ngoài ra, Bristow còn có các hoạt động tìm kiếm cứu nạn cứu hộ ở Hà Lan, Na Uy, Nga, Canada, Australia và Brazil.
Theo Vietnam+