Trong xã hội hiện đại, tư tưởng trọng nam khinh nữ và sự kỳ thị những người sinh con một bề tưởng chừng đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng này vẫn tồn tại một cách "thâm căn cố đế", gây ra những bi kịch đau lòng từ việc sinh con một bề.
"Vừa sinh con xong, chưa kịp nghỉ ngơi tôi đã nhận được cái nhìn khinh miệt của bố mẹ chồng và chồng. Sau khi sinh xong đứa thứ ba, vẫn là con gái, tôi bị gia đình chồng coi như "cỏ rác", chị Thanh Tuyền ở Khoái Châu, Hưng Yên than thở.
Ngày mới về nhà chồng, chị Tuyền được gia đình chồng yêu thương hết mực. Bản thân chị cũng hi vọng con cái có nếp, có tẻ cho vui cửa vui nhà. Thế nhưng, khi đứa con thứ hai ra đời, niềm hạnh phúc của chị dần nhạt nhoà đi. Chồng chị bỏ mặc vợ đang trong kỳ kiêng cữ, tối ngày rượu chè, tụ tập với bạn bè, thậm chí khi có điều không vừa lòng, anh sẵn sàng thẳng tay đánh vợ.
Tất cả nguyên nhân cũng chỉ bởi vì chị không sinh được con trai. Biết ý chồng, chị cũng chỉ đành im lặng chịu đựng, nhưng tình cảm vợ chồng cứ nhạt dần. Đến khi biết được chồng "lập phòng nhì" bên ngoài, chị Tuyền cũng chỉ biết chấp nhận. "Nghe nói, khi siêu âm đứa trẻ kia cũng là con gái nên cũng chẳng biết được lý do là tại ai", chị Tuyền tâm sự.
Tương tự chị Tuyền, chị Ngọc Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thường xuyên bị chồng hành hạ, đánh đập, khủng bố tinh thần chỉ vì "tội" sinh toàn con gái. Mỗi lần đi ăn nhậu cùng bạn bè về, chồng chị đều trong trạng thái say xỉn, quát tháo ầm ĩ.
Nếu không kịp chạy ra dìu, cầm cặp cho chồng là y rằng má chị sẽ in hằn năm đầu ngón tay. Không những thế, chồng chị còn thường xuyên hành hạ vợ một cách bệnh hoạn mỗi khi hai vợ chồng gần gũi... Đặc biệt, mỗi khi mẹ chồng đến thăm nhà, tối đó thế nào, Mai cũng phải chịu đựng chồng.
"Anh ta lao vào tôi như con thú, tôi càng chống cự, anh ta càng bạo lực. Từ ngày con bé thứ hai ra đời, cuộc sống của tôi không khác gì địa ngục trần gian". Nhưng nếu chỉ như thế thì chị Mai vẫn có thể chịu đựng được nhưng thấy vợ nín nhịn, chồng chị lại càng lấn tới. Bỉ ổi hơn, anh ta còn dẫn cả người tình về nhà để ân ái ngay trên chính chiếc giường của hai vợ chồng.
Mai bị buộc phải chứng kiến cuộc ái ân của chồng và người tình mà không dám phản kháng vì nếu không chị sẽ bị đánh đập thẳng tay. Vì thương con, chị vẫn gắng chịu đựng cho tới khi nhận được tin chồng mình thuê đẻ hộ con trai với giá 100 triệu đồng. Rời khỏi căn nhà một thời là tổ ấm hạnh phúc của mình, Mai dắt theo hai cô con gái về nhà mẹ đẻ.
Việc có lời nói xúc phạm nhân phẩm, danh dự người sinh con một bề sẽ bị xử phạt đến 1 triệu đồng (Ảnh minh hoạ) |
Không chỉ sinh con gái mà việc sinh con trai một bề nhiều khi cũng không tránh được sự kỳ thị. Chỉ vì lời thầy bói "nếu con dâu bà không sinh cho bà một đứa cháu gái, gia đình bà sẽ gặp tai ương" mà Hương phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận chuyện cho chồng "kiếm con gái".
Nhìn gia đình Hương giàu có với hai cậu con trai đẹp như thiên thần, nhiều người phải ganh tị nhưng không mấy ai biết rằng, đằng sau vẻ ngoài hạnh phúc, êm ấm đó, Hương luôn phải đón nhận sự chì chiết, soi mói của mẹ chồng. Nhiều lần, bà còn bóng gió đón "vợ hờ" của chồng cô về cho vui cửa, vui nhà.
Khoa học phát triển đã chứng minh việc sinh con trai hay gái không phụ thuộc vào người phụ nữ nhưng nhiều gia đình vẫn không ý thức được. Tư tưởng trọng nam khinh nữ hoặc ngược lại vẫn còn ăn sâu dẫn đến những bi kịch đẫm nước mắt mà người chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là phụ nữ.
Sự kỳ thị không chỉ trong các gia đình ở nông thôn mà ngay cả ở thành thị, thậm chí trong các gia đình trí thức cũng không loại trừ. Biết là suy nghĩ sai lầm, vi phạm nguyên tắc đạo đức, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng họ vẫn cố ý vi phạm, gắng gượng bằng mọi giá để có con trai hoặc con gái như ý mình.
Một giọt máu đào...
Theo các chuyên gia tâm lý, các nhà nghiên cứu, nhiều người vẫn coi trọng, ưa thích con trai bởi tâm lý con trai là người nối dõi tông đường, là người mà khi về già, cha mẹ có thể dựa vào đó. Thế nên, khi không có được "cây gậy chống lưng đi sau đám ma", nhiều ông chồng không ngần ngại "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ mình, nhất là khi có người ngoài "nói chêm" vào việc không có được con nối dõi trong nhà.
Để tránh hiện tượng mất cân bằng giới tính, loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ… các bộ, ngành đã ra những quy định như: "Hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh hai con gái", "phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng với người có hành vi, lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái…
Thế nhưng, trong khi dự thảo quy định này vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện để đi vào thực tế thì các vụ việc đau lòng về chuyện sinh con một bề vẫn liên tiếp diễn ra.
Mới đây, vụ dùng xăng đốt cả gia đình ở Hồng Thái, An Dương, Hải Phòng diễn ra khiến dư luận xôn xao, bàng hoàng. Chỉ vì con dâu không sinh được cháu trai mà người cha đã liên tiếp miệt thị, xúc phạm vợ chồng con trai. Hậu quả là, trong lúc quá ức chế, anh con trai đã dùng xăng đốt cháy cả nhà mình.
Bố và hai đứa con gái bé bỏng của anh ta đã chết tức tưởi, bản thân anh này cũng bị bỏng không nhẹ. Anh ta không chết nhưng rồi đây sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật.
Trước đó, vụ án đau lòng diễn ra ở Nam Định năm 2010 vẫn chưa kịp khiến người dân dịu xuống. Chỉ vì hai đứa con đầu là gái, biết chồng thích con trai và "chỉ muốn có con trai", khi siêu âm đứa con thứ ba biết vẫn là gái, người vợ đành thoả thuận với mẹ mình, giữ kín và báo cho chồng là con trai.
Ngày vợ sinh, nhận đứa con còn đỏ hỏn mà y tá trao cho, không tìm thấy "của quý" trên đứa trẻ, người chồng đứng như chôn chân tại chỗ. Thêm mấy lời dèm pha "vịt trời" của hàng xóm, người chồng không kiềm chế được, ném thẳng đứa con mới chào đời của mình vào tường trong sự kinh hoàng của mọi người.
Thực tế cho thấy, những vụ án nguyên nhân từ việc sinh con một bề đều xuất phát từ những câu chuyện bên lề và đều có sự tác động của người ngoài. Đôi khi chỉ vì sự khích bác, trêu chọc của những người xung quanh khiến cho người chồng, người cha trong gia đình bị đẩy vào cảnh mất nhân tính. Sự hậm hực lâu ngày cộng với tâm lý tự ti vì việc không có con trai, con gái khi có thêm tác động ngoại cảnh sẽ bùng lên dẫn tới những bi kịch đau lòng.
Khi ấy, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người gây án trực tiếp, còn những người gián tiếp tạo nên sự ức chế lại hoàn toàn vô can. Tác hại của những lời dèm pha, xúc phạm về việc sinh con một bề nhiều khi mới là nguyên nhân chính thúc đẩy những vụ việc, thậm chí án mạng diễn ra gần như vẫn chưa được pháp luật và xã hội đánh giá đúng mức. Những người có hành vi, lời nói xúc phạm kể trên vẫn ung dung và không hề biết rằng mình có tội.
Luật sư Viết Phương, Văn phòng luật sư Hà Phương, Hà Nội chia sẻ: "Dự thảo nghị định xử phạt người có lời nói, hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh con một bề là rất hay. Quy định này nhằm hạn chế tối đa những hậu quả nghiêm trọng với người sinh con một bề. Tuy nhiên, quy định mới chỉ mang tính chất răn đe, chưa có tính chất ngăn chặn bởi mức xử phạt vẫn quá thấp.
Để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, cần phải chỉ rõ như thế nào thì bị coi là có lời nói khiếm nhã, xúc phạm danh dự, nhân phẩm… Bên cạnh các chế tài xử lý, mỗi người nên có ý thức tôn trọng người khác và không nên quá coi trọng tư tưởng trọng nam khinh nữ".
Hầu hết người sinh con một bề bị xúc phạm!
Những người sinh con một bề thường bị chế giễu, bôi nhọ, bị xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và danh dự. Có tới 36,2% người sinh con một bề (toàn con trai hoặc toàn con gái) bị xúc phạm là thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình thực hiện trong đề tài Nghiên cứu các yếu tố liên quan đến việc sinh con thứ ba của các cặp vợ chồng. |
Theo Nguoiduatin