Mới đây, UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Lý Trực Dũng – Giám đốc Công ty Buffalo Architects.
Ông có đồng tình với việc đặt nhà ga C9 cạnh hồ Gươm không? Vì sao?
- Tôi không đồng tình với việc này. Đặt C9 quá sát bờ hồ như vậy là chưa hợp lý bởi sau khi xây dựng nhà ga đó, lập tức sẽ có hàng loạt các phương tiện giao thông khác để phục vụ hành khách đến, gây ùn tắc cục bộ.
Kiến trúc sư Lý Trực Dũng – Giám đốc Công ty Buffalo Architects. |
Ở các quốc gia khác, xung quanh ga tàu điện ngầm thường có rất nhiều xe buýt, taxi…để khi hành khách xuống ga có thể đi ngay. Còn ở Việt Nam hiện nay, xe buýt tại khu vực đó chưa có, tàu điện chạy trên mặt đất cũng chưa có mà chỉ cótàu điện ngầm thôi thì khi lượng người rất đông đổ về sẽ gây ách tắc nặng nề đặc biệt vào những ngày lễ, tết. Các nhà quy hoạch nên xem xét lại.
Ở nhiều nước khác, lượng du khách đến với khu vực trung tâm như hồ Gươmkhông đông như ở Việt Nam. Nếu có lượng người lớn như vậy lui tới, họ sẽ lập tức di tỏa ngay trong khi bờ hồ Hoàn Kiếm là nơi mà ai cũng lui tới, từ người Việt tới du khách nước ngoài.
Còn nhớ vào đại lễ 1000 năm Thăng Long (10/10/2010), hàng nghìn người đã cùng đổ về Mỹ Đình gây ách tắc khủng khiếp khiến ngay cả nguyên thủ hay các đại sứ cũng không thể đến Mỹ Đình đúng giờ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vào một ngày lễ nào đó trong năm, người dân cũng đổ xô tới bờ hồ Hoàn Kiếm như vậy?
Theo lý giải của các nhà quy hoạch, đặt ga C9 tại vị trí này là để du khách có khả năng tiếp cận thuận tiện tới vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện Thành phố và khu phố thương mại Tràng Tiền. Ông có cho rằng như vậy là hợp lý không?
- Không. Nếu làm vậy thì mọi người…lười quá. Nên nhớ ở tất cả các nước lớn trên thế giới, người ta phải đi bộ 1 – 2 km mới tới ga tàu điện ngầm và đó là chuyện bình thường. Ngay cả khi lượng người đi bộ lớn cũng sẽ không có vấn đề gì gây nguy hại tới cảnh quan.
Đặt C9 ở đó chỉ vì làm vậy người dân dễ tiếp cận với vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện Thành phố và khu phố thương mại Tràng Tiền? Việc đó chẳng giải quyết được gì cả! Những nơi đó không phải là cái gì to tát cả. Cái quan trọng nhất có nguy cơ trở thành vấn nạn đó là người ta sẽ tập trung ồ ạt ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Chuyện người ta bỏ ra vài phút đi bộ 1 – 2 km để tới nhà ga là chuyện bình thường, sao chúng ta lại lập luận như thế? Muốn phục vụ hành khách đến tận môi, tận răng ư? Làm thế nào để khoảng cách từ nhà người ta tới chỗ làm chỉ mất khoảng 15 – 30 phút di chuyển thì chúng ta không làm được, chúng ta lại đi lo cái chuyện đâu đâu như kiểu đưa du khách tới tận nơi tham quan sung sướng như phục vụ họ đến tận môi, tận răng như thế thì…Tôi cho rằng đó là lập luận không có tính thuyết phục!
Cũng có ý kiến cho rằng đất quanh Hồ Gươm rất mềm, khi xây dựng ga ngầm nếu dùng công nghệ ép đất dồn lại có thể khiến cho Hồ Gươm bị nghiêng so với bề mặt. Thực hư chuyện này ra sao thưa ông?
- Tôi không nghĩ thế. Cách đây khoảng 40 năm, tại một hội nghị của Bộ Xây dựng, khi mà các anh ấy chưa hiểu gì về tàu điện ngầm cả, nhưng đã đòi làm tàu điện ngầm rồi. Đúng là nền đất của Hà Nội rất tồi, nền đất rất mềm, chủ yếu là nền đất sét, đất thịt…
Một góc phố cổ Hà Nội (Ảnh: Internet). |
Tuy nhiên, với những tiến bộ khoa học về xây dựng hiện nay, những người xây dựng có kinh nghiệm họ làm được tất, không đáng lo về việc đó. Nguy cơ xảy ra lún, sụt là điều không đáng lo ngại, mà điều đáng lo ngại là tính hợp lý của việc bố trí hệ thống tàu điện ngầm và ga.
Có người lo ngại rằng đặt nhà ga C9 gần hồ Gươm không chỉ gây ảnh hưởng đến không gian truyền thống của nhiều di tích lịch sử cũng như phá nát cảnh quan nơi đây mà chuyện ga tàu hoạt động không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm có thể còn là mối đe dọa tới tính mạng của nhiều sinh vật trong hồ, đặc biệt là “Cụ Rùa”. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Tôi không nghĩ thế. Khi làm ga tàu điện ngầm, các chất không chảy xuống hồ hay gây ảnh hưởng gì tới nước hồ. Còn những rung động khi tàu chạy cũng có, nhưng rất ít, không đáng nói. Tính mạng của cụ Rùa bị đe dọa là ở nước hồ Gươm chứ không phải lo tới các rung chấn của tàu điện ngầm.
Thực ra, tôi kịch liệt phản đối việc xem “Cụ Rùa” là bảo vật quốc gia. Đó chỉ là một con rùa, rất quý, rất tốt, gắn với nhiều truyền thuyết thôi. Rùa cũng như cá, tôm hay các sinh vật khác trong hồ sẽ không bị ảnh hưởng gì đâu.
Thế còn những tòa nhà cổ kính ở khu phố cổ liệu có bị ảnh hưởng bởi dự án này không?
Cụ Rùa ở hồ Gươm (Ảnh: Internet). |
Thực ra ở Hà Nội, chúng ta phải cố gắng bảo vệ bằng được khu phố cổ. Ở các nước, một khu di tích nào đó mà để người ta “hành quân” nhiều quá sẽ gây ảnh hưởng thực sự. Không phải người ta lo ngại về tiếng rung khi nhiều người cùng đổ xô tới đó, mà quan trọng là những thứ bẩn thỉu mà người ta bày bừa ra đó tác động lên môi trường sống ở khu vực này.
Về mặt giá trị vật chất, các tòa nhà cổ có giá trị không đáng kể, nhưng khi có gatàu điện ngầm ở quanh đó, khu phố cổ có thể sẽ biến thành một bãi chiến trường đổ nát chứ không còn là khu phố thanh bình nữa. Nếu thiết kế của tàu điện ngầmquá kém thì sẽ gây sập nhà. Ở Trung Quốc từng bị thế rồi do họ xây dựng không đảm bảo chất lượng.
Ngoài những nguy cơ rủi ro đã nêu còn kịch bản xấu nào có thể xảy ra khi xây dựng nhà ga G9 cạnh hồ Gươm không thưa ông?
- Ga tàu có thể bị lún, bị sập hoặc bị rò thấm nước nữa. Với nền đất ẩm thấp và nhiều nước đọng như ở bờ hồ, dễ xảy ra tình trạng ga tàu bị rò thấm nước. Chắc chắn sẽ có rung chấn khi tàu chạy, nhưng rung chấn đến đâu còn tùy vào khả năng giải phóng của nhà thầu. Ngoài ra, chắc chắn 100% ga tàu sẽ làm ảnh hưởng tới giá trị về mặt di sản, kiến trúc của toàn bộ khu phố cổ.
Theo VTC