Thấy hoàn cảnh thương tâm, chị Hoàng Thị Ngọ lúc bấy giờ mới tròn 20 tuổi, nhà ở cùng bản đã tự nguyện hàng ngày sang phụ giúp anh Chắn cho chị Nhu ăn uống, tắm rửa. Hơn 1 năm thì 2 người phát sinh tình cảm.
Được sự nhất trí của cả 3 gia đình, chị Ngọ tự nguyện về ở với anh Chắn với một ý nghĩ rất giản dị: “Tội nghiệp 2 người quá”. Từ đó, chị Nhu và con gái được chị Ngọ chăm sóc rất tận tình bằng cả tình yêu thương và tấm lòng nhân ái.
Chị Ngọ (trái) luôn ở bên cạnh chăm sóc người vợ bại não của chồng. |
Năm 1992, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên cả gia đình dắt díu nhau vào thôn 3, xã Đăk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông mưu sinh. Trước đó, gia đình chị Nhu yêu cầu để chị ở nhà cho chị em ruột nuôi nấng nhưng chị Ngọ bảo: “Thật lòng tôi không nỡ để chị ấy xa con, gia đình cứ yên tâm, tôi sẽ chăm sóc cho chị ấy đến hết đời”. Thế rồi chị Ngọ ẵm chị Nhu lên xe cùng chồng con vào Tây Nguyên.
Đến nơi ở mới, cuộc sống buổi đầu vô cùng vất vả, hàng ngày chị Ngọ phải thức từ 4 giờ sáng để lo giặt giũ, nấu ăn cho cả nhà. Sau khi làm vệ sinh và bón từng muỗng cơm cho chị Nhu, chị Ngọ mới ăn vội ăn vàng ít miếng để đi làm. Những lúc trở trời, chị Nhu đau đớn, rên rỉ dữ dội, chị Ngọ lại đấm bóp an ủi.
Năm 2003, anh Chắn mất, chị Ngọ vẫn một mình chăm sóc chị Nhu, dựng vợ gả chồng cho các con. Hiện, trong căn nhà tuềnh toàng ở cuối thôn 3, xã Đăk Drông không có gì ngoài chiếc ti vi cũ kỹ, nhưng ở đó có tấm lòng của một phụ nữ chăm sóc vợ của chồng như người ruột thịt...
Theo Vietnamnet