Đường sắt tốc độ cao: Có tiền để làm không?

Thứ năm, 28/03/2013, 15:43
Trước thông tin Bộ Giao thông vận tải quyết định hủy đường sắt cao tốc, chuyển sang làm đường sắt tốc độ cao, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm nên làm hiện đại đường sắt quốc gia nhưng cũng cần cân nhắc thời điểm cho thích hợp.

Đường sắt

TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện Trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT- Trường ĐH GTVT: Chọn phương án A2 để phù hợp với tài chính. 

TS Đinh Thị Thanh Bình
TS Đinh Thị Thanh Bình

Hiện nay đường sắt chưa phát huy được vai trò vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ cao, đường dài. Giữa đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia, phải cân nhắc cái nào cần hơn để làm.

Về chọn lựa phương án, đứng trên góc độ người làm vận tải, để đường sắt quốc gia Bắc - Nam đảm nhận đúng vai trò là phương thức vận tải chủ lực hướng Bắc - Nam: năng lực vận chuyển lớn, tốc độ cao, ưu thế vận tải đường dài với chi phí thấp.

Tôi cho rằng chọn phương án B1, vì so với B2 kết quả của B1 mang lại không kém nhiều mà chi phí đầu tư lại chỉ bằng gần 1/2.

Phương án A2 chỉ dừng ở mức cải tạo nâng cấp đường sắt hiện hữu, chứ không thay đổi đáng kể về năng lực vận tải và tốc độ.

Tuy nhiên xét về chi phí đầu tư thì A2 chiếm khoảng 1.3% GDP (2012) và B1 = 10.7% (GDP 2012).

Theo thống kê thì tổng mức đầu tư phát triển mạng lưới GTVT hàng năm chiếm bình quân khoảng 15%, trong đó đầu tư cho đường bộ chiếm đến 85% (khoảng 12% GDP).

Vậy mức 10.7% GDP chỉ đầu tư cho đường sắt là rất rất khó khả thi. Chính vì thế tôi nghĩ bộ giao thông chọn A2 để phù hợp với điều kiện tài chính Việt Nam.

Mặt khác so với nhu cầu vận tải bằng đường sắt hiện nay thì phương án B1 sẽ dư thừa năng lực (nhưng cũng phải tính thêm phần nhu cầu vận  đường sắt gia tăng vì chất lượng dịch vụ vận tải tốt hơn trước).

Tại Việt Nam quy hoạch giao thông cấp quốc gia thường làm theo phương thức như: QH mạng lưới đường bộ, QH cảng biển, QH đường sắt...

Tuy nhiên việc quy hoạch thông giao lại dựa trên nhu cầu vận tải, và việc xem xét cân nhắc vai trò, quy mô công suất của từng phương thức vận tải và phối hợp bổ trợ lẫn nhau giữa các phương thức chưa được lưu ý, vì thế cần xem xét tính đồng bộ giữa các phương thức.

PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Thụ: Đường sắt tốc độ cao là hợp lý

Đường sắt
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ

Trước đây tôi từng phản đối xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ 300km/h vì tốn kém mà không hiệu quả, chỉ chở được người. Nay nếu Bộ Giao thông vận tải chuyển phương án làm đường sắt tốc độ cao 200km/h chở được cả hàng hóa và hành khách thì hợp lý.

Tôi cho rằng nếu làm đường sắt tốc độ cao sẽ rẻ tiền hơn, kỹ thuật đơn giản hơn vì vậy quyết định hiện nay là đúng.

TS Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội xây dựng Việt Nam: Có tiền để làm không?

Đường sắt
TS Phạm Sĩ Liêm

Tổng hội xây dựng Việt Nam ngay từ những ngày đầu đã kịch liệt phản đối không nên làm thí điểm đường sắt cao tốc tốc độ 300km/h vì nhiều lý do.

Đơn giản như đường sắt thường hiện tại trẻ con còn ném đá vào, nếu làm đường sắt cao tốc sẽ bị tai nạn ngay và tốn tiền.

Tổng hội xây dựng Việt Nam từng đề xuất chỉ nên làm đường sắt hiện đại không cần phải cao tốc mà chỉ cần tốc độ cao nhưng đường ray 1.435m.

Nay Bộ giao thông vận tải quyết định làm con đường tốc độ 150 - 200km chúng tôi ủng hộ và cho rằng nên làm sớm. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có đủ tiền để làm hay không mà thôi.

4 phương án:

- A1: Tổng công ty Đường sắt VN đang thực hiện để duy trì đủ độ an toàn cho kết cấu hạ tầng như cải tạo cầu yếu, hầm cũ, hệ thống thông tin tín hiệu, cải tạo đường ngang để đảm bảo tốc độ chạy tàu tối đa 90 km/giờ với tàu khách.

Phương án này đang triển khai sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM còn 28 giờ (rút ngắn được 2 giờ so với hiện nay). Phương án này vẫn giữ đường đơn khổ 1m.

- A2: Thực hiện các nhóm biện pháp điều chỉnh hướng tuyến cho ba đoạn nút cổ chai chính nhiều đường cong và dốc như đèo Hải Vân, đèo Khe Nét, Hòa Duyệt - Thanh Luyện (Hà Tĩnh).

Sau khi cải tạo sẽ đảm bảo 50 đoàn tàu hoạt động trên tuyến mỗi ngày, tốc độ chạy tàu khách bình quân 90 km/giờ, tàu hàng 60 km/giờ trên đường đơn khổ 1m.

Thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM còn hơn 25 giờ. Tổng mức đầu tư ước tính 1,8 tỉ USD. Đây là phương án được Bộ GTVT đồng ý nghiên cứu.

- B1: Nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1,435m để chạy tàu khách 120 km/giờ, tàu hàng 70 km/giờ, thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TP.HCM còn hơn 15 giờ.

Phương án này sẽ cải tạo ba đoạn nút cổ chai chính bằng cách xây dựng đoạn tuyến bằng hầm, thay thế ray và tà vẹt, các đường ngang cùng mức sẽ đóng mở tự động để đảm bảo chạy tàu tốc độ cao hơn; đầu tư thêm đầu máy toa xe có khả năng vận hành tốt ở tốc độ chạy tàu 120 km/giờ để vận hành 116 đoàn tàu/ngày. Chi phí ước tính 14,5 tỉ USD.

- B2: Nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1,435m, tốc độ chạy tàu khách 150 km/giờ, tàu hàng 80 km/giờ (tàu chở container lên 120 km/giờ).

Thực hiện phương án này phải sử dụng tàu động cơ điện với tàu khách và đầu máy động cơ điện với tàu hàng. Số tàu hoạt động trên tuyến là 122 tàu/ngày. Chi phí nâng cấp ước tính 27,7 tỉ USD.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn