Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng cần di dời sân bay Tây Sơn Nhất để đảm bảo an toàn cho người dân. Anh: Thanh Hảo. |
Cần chuyển sân bay ra khỏi nội ô
Nhiều ĐB chất vấn ông Lê Hoàng Quân về dự án xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. ĐB Trần Quang Thắng chất vấn: Cựu phi công Mai Trọng Tuấn và nhiều chuyên gia hàng không phản đối việc xây sân golf trong sân bay, xây sân bay Long Thành, di dời sân bay Tân Sơn Nhất. Đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết quan điểm về vấn đề này.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay do hai bộ quản lý, gồm: Bộ GTVT (hàng không thương mại), Bộ Quốc phòng (quân sự). UBND TP.HCM chỉ quản lý địa bàn. Vừa qua, các đơn vị xin phép đầu tư xây dựng sân golf, vị trí làm sân golf ở rìa sân bay, thuộc đất quốc phòng, nằm ngoài vùng an toàn bay.
TP.HCM đã thỏa thuận nếu khai thác kinh tế không làm ảnh hưởng tới an ninh, an toàn sân bay, phù hợp quy hoạch thì sẽ không phản đối. “Quan điểm của UBND TP.HCM là hạn chế tối đa việc quy hoạch xây dựng sân golf. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM chỉ có 5 sân golf. Đến nay, TP.HCM đã có hai sân” - ông Quân cho biết.
Ông Lê Hoàng Quân nói, TP.HCM chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, lưu thông và sân bay vận hành an toàn. Vì vậy, UBND TP.HCM rất quan tâm thông tin mấy ngày qua, máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất làm hỏng nhà dân. Sân bay được xây dựng từ thời Pháp, khi đó, khu vực này còn là đất trống ngoại ô.
Hiện nay, khu vực xung quanh sân bay trở thành khu vực nội ô đông dân, khu vực phễu bay có nhiều công trình xây trái phép, không tuân thủ quy định về giới hạn độ cao.
“Để đảm bảo an toàn cho người dân thành phố, cần chuyển sân bay ra khỏi khu vực nội ô. TP.HCM ủng hộ dự án xây dựng sân bay Long Thành thay thế sân bay Tân Sơn Nhất. Còn số phận sân bay Tân Sơn Nhất ra sao sẽ do Chính phủ quyết định”- ông Quân nói.
Chống ngập không nổi
Trả lời chất vấn của một số ĐB về công tác chống ngập nước, ông Lê Hoàng Quân thẳng thắn: Phải tính đến khả năng sống chung chứ chống… không nổi.
Ông Quân lý giải: Biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng là vấn đề toàn cầu. Việt Nam, trong đó có TP.HCM thuộc nhóm chịu tác động mạnh nhất của BĐKH. Theo dự báo, đến năm 2050, 30% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập. TP.HCM bị ngập khoảng 700km2.
Để thích ứng với tình trạng BĐKH, nhiều công trình khi thiết kế, thi công xây dựng đều phải tính toán phù hợp. TPHCM có phương án ứng phó để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đối với một số dự án chống ngập như Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Tân Hóa - Lò Gốm, xây dựng đê bao sông Sài Gòn, ông Lê Hoàng Quân thừa nhận tiến độ còn chậm, sắp tới cần phải đẩy nhanh để sớm đưa vào sử dụng, giải quyết bài toán ngập úng tại nhiều khu vực.
Về nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết sắp tới, ông Quân khẳng định: Việc bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm của các ngành, các cấp. UBND TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn vào bếp ăn của người dân. TP.HCM sẽ xử lý kiên quyết các hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa độc hại, nhất là lương thực thực phẩm.
“Dịp Tết là thời điểm tiêu thụ hàng hóa rất nhiều. Mong các cơ quan, đơn vị, các nhà sản xuất, mỗi người dân phải hết sức tự giác, không mua bán các loại hàng hóa kém chất lượng, nhất là hàng gian, hàng giả” - ông Quân nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Quân cam kết sẽ tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm, bình ổn thị trường, chăm lo tốt đời sống người dân trong dịp Tết Giáp Ngọ; đặc biệt là các gia đình chính sách, hộ nghèo, lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, học sinh xa nhà…
Ông Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI nói: Năm 2013, Thanh Hóa không bị lụt mà mất 12.000 ha lúa do giống lúa BC 15 kém chất lượng, gieo cấy không đúng cơ cấu mùa vụ có trách nhiệm rất lớn của Sở NN&PTNT. Ngoài ra, nông dân đang chịu cảnh giá vật tư nông nghiệp cao, chất lượng kém, đặc biệt là những loại vật tư nông nghiệp cung ứng cho đồng bào miền núi, cung ứng cho nông dân. Người nông dân đang phải bỏ tiền thật ra để mua hàng kém chất lượng, hàng giả. Và thu nhập thấp một phần là do nguyên nhân quản lý đầu vào vật tư nông nghiệp của cơ quan chức năng… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng. Ngày 12/12 tại Kỳ họp thứ 9, khóa VIII HĐND tỉnh Quảng Nam, nhiều đại biểu đã dành câu hỏi cho ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam liên quan công trình khu neo đậu tàu thuyền tránh bão An Hòa (Tam Quang, Núi Thành) được đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và ngân sách nhà nước nhưng không đem lại hiệu quả sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam gọi khu neo đậu này là “công trình trọng điểm lãng phí” của tỉnh và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? Ông Nguyễn Thanh Quang, cho biết: những phản ánh của cử tri và đại biểu là chính xác. Xây dựng khu tránh bão cho tàu thuyền là theo nguyện vọng của người dân. Trước khi xây các ngành đã họp rất nhiều lần, cân nhắc nhiều ý kiến. UBND tỉnh và bộ ngành đã đi kiểm tra khảo sát, vị trí xây là lý tưởng. Tuy nhiên, đã không lường trước được tình hình, chỉ mới tính đến cho tàu công suất 300CV. Trong năm 2014, các vấn đề liên quan đến công trình này sẽ được khắc phục. Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh TT-Huế (khóa VI) diễn ra sáng 12/12 đã trở nên “nóng” khi vấn đề thủy điện xả lũ ảnh hưởng sản xuất, đời sống và gây thiệt hại tài sản của nhà nước, tính mạng người dân được đặt ra. Theo UBND tỉnh giải trình, trên địa bàn có gần 1.000 ha rừng đã bị mất từ nhiều năm do chuyển đổi làm các dự án thủy điện. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ diện tích rừng nào được trồng bù theo quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường, do còn “đợi” hướng dẫn của các bộ ngành liên quan. |
Theo Tiền phong