Lương ôsin cao gấp rưỡi cử nhân đại học

Chủ nhật, 22/12/2013, 15:07
Tại Hà Nội, lương trung bình của một người giúp việc khoảng 2,8 triệu đồng/tháng (năm 2012), trong khi thu nhập bình quân cử nhân đại học mới ra trường là khoảng 2 triệu đồng/tháng. Thậm chí cả mức lương bèo 2 triệu để có công việc đúng với chuyên ngành đã học cũng không có, nhiều sinh viên phải bán trà đá, chạy xe ôm... kiếm sống.
Ngày 21/12, tại cuộc hội thảo “Lao động giúp việc gia đình và chính sách pháp luật liên quan”, do Vụ Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, các chuyên gia cho rằng, tại nước ta, thu nhập của người giúp việc gia đình khá ổn định và không thấp hơn các nghề khác.
Cụ thể, tại Hà Nội, lương trung bình của một người giúp việc là khoảng 2,8 triệu đồng/tháng (năm 2012), trong khi thu nhập bình quân của người dân sống tại khu vực nông thôn ngoại thành là 1,4 triệu đồng/tháng và một cử nhân đại học mới ra trường là khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Lương trung bình của người giúp việc là 2,8 triệu đồng/tháng trong khi lương cử nhân đại học là 2 triệu đồng/tháng.
Lương trung bình của người giúp việc là 2,8 triệu đồng/tháng trong khi lương cử nhân đại học là 2 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt dịp trước và sau Tết, tình trạng “khan hiếm” người giúp việc trở nên bức xúc và nhiều gia đình phải trả khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Mặc dù nhu cầu thuê người giúp việc gia đình tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng công việc này vẫn chưa được coi là một nghề chính thức. Người giúp việc gia đình làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm và phần lớn chưa qua đào tạo nghề (98,4%). Do đó, bảo vệ quyền của lao động giúp việc và xây dựng chính sách cho nhóm lao động này là việc rất cần thiết.
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 98,7% số người giúp việc tại các thành phố lớn là nữ, khoảng 1/3 trong đó này là góa chồng, ly hôn hay không có chồng con. Cũng theo ILO, dự báo số lượng việc làm trong ngành “hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình” năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 63% so với năm 2008.
Cử nhân bán trà đá, chạy xe ôm, tiếp thị cám cò...
Trong khi đó, sau khi tốt nghiệp, để bám trụ lại Hà Nội, nhiều sinh viên đành chấp nhận bán trà đá, chạy xe ôm, làm thuê đủ nghề để mong có cơ hội tìm kiếm được một công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo.
Phạm Như Thảo quê Thanh Hóa đã ba năm mang hồ sơ đi rải khắp các nơi tuyển dụng về chuyên ngành kế toán nhưng vẫn chưa tìm được việc.
Cử nhân đại học bán trà đá, chạy xe ôm, tiếp thị cám cò...
Cử nhân đại học bán trà đá, chạy xe ôm, tiếp thị cám cò...
Hầu hết lý do mà các cử nhân trên gạt tấm bằng đại học để đi bán trà đá, xe ôm, bán rau…là bởi sau hàng chục lần nộp đơn xin việc họ đều bị các nhà tuyển dụng từ chối.
Để bám trụ lại Hà Nội, Thảo đã chọn công việc làm xe ôm. Thảo cho biết, ngày đông khách kiếm được khoảng 120 nghìn đồng, còn những ngày bình thường bỏ túi được 60-70 nghìn đồng.
“Số tiền kiếm được vừa đủ để chi trả cho sinh hoạt hằng ngày. Nhiều khi ốm đau không đi làm được, không có tiền nên chỉ ăn mì gói. Nhưng lý do mình làm xe ôm là muốn có cơ hội để tiếp cận với thông tin về tuyển dụng và biết đâu số phận may mắn sẽ gặp được ai đó giúp tìm việc”, Thảo tâm sự.
Tình cảnh của anh H (Bắc Giang) còn éo le hơn. Khi chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, có người hứa sẽ tìm việc giúp với chi phí 100 triệu đồng.
Vì là chỗ quen biết, nên gia đình anh H đã liều đi vay ngân hàng để lo lót cho anh vào ngân hàng. Nhưng, ra trường được một tháng, hai tháng rồi một năm, việc làm chưa thấy đâu, người quen đã biến mất. Sau đó, anh H tự đi nộp hồ sơ ở rất nhiều nơi nhưng cũng không được nhận.
“Khi tình hình kinh tế khó khăn, nhiều Ngân hàng buộc phải cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân viên dưới hình thức tự nguyện xin nghỉ việc thì sinh viên mới ra trường khó chen chân trong thị trường việc làm ngân hàng là điều dễ hiểu. Giờ mình đi tiếp thị cám cò để có tiền trang trải cuộc sống”, H tâm sự.
Thậm chí, có trường hợp, đã du học nước ngoài 5 năm nhưng vẫn phải về quê làm ruộng như anh Lê Văn Hậu (xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 2007 Hậu đỗ vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, một năm sau, vượt qua hàng chục ứng viên, Hậu là 1 trong 2 người của trường nhận được học bổng của Bộ GD-ĐT du học tại Romania chuyên ngành hóa dầu.
Trở về sau 5 năm du học với tấm bằng xuất sắc nhưng mang đơn đi khắp nơi, anh cũng nhận được cái lắc đầu.
“Hàng chục bộ hồ sơ xin việc đã được tôi gửi đi nhưng đều không thấy hồi âm. Quảng Nam “hết cửa”, nghe tin ở Đà Nẵng có chính sách thu hút nguồn nhân lực cao, tôi liền mang hồ sơ đến nộp thì được thông báo đã hết hạn tuyển dụng. Không xin được việc làm, những ngày này, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp cha mẹ việc đồng áng”, anh buồn bã.
Trên báo Tuổi trẻ, TS Kiều Xuân Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là do sinh viên ít cọ xát thực tế. Bên cạnh đó, những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc như kỹ năng giao tiếp, quản lý công việc, thuyết trình, làm việc nhóm... sinh viên phải “tự bơi” nên nhiều em chưa tự tin. Điều này khiến nhiều sinh viên mới ra trường khó xin được việc.
Trong khi đó, xã hội, doanh nghiệp hiện nay đang tiến đến xu thế tuyển người không dựa vào bằng cấp mà căn cứ vào thực lực của ứng viên.

Theo BaoDatViet

Các tin cũ hơn