|
Mở đầu ngày làm việc, cho rằng nội dung vụ án đã được HĐXX làm rõ, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa từ chối xét hỏi trong khi các luật sư đặt ra rất nhiều vấn đề của vụ án cần được làm rõ. Câu hỏi đặt ra được dành nhiều nhất cho đại diện Vietinbank và Huyền Như.
Luật sư Đặng Văn Châu (bảo vệ quyền lợi cho Bảo hiểm Toàn Cầu) là người thẩm vấn đầu tiên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi với đại diện Vietinbank nhằm xác định trách nhiệm của ngân hàng này với phần thiệt hại 125 tỉ đồng của Bảo hiểm Toàn Cầu.Tuy nhiên, đa phần các câu hỏi đều bị đại diện Vietinbank từ chối trả lời hoặc nói vòng vo không vào trọng tâm câu hỏi làm xuất hiện những câu nói đôi co giữa hai bên.
Ngay sau đó, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu phải cắt ngang và đề nghị các luật sư lần lượt đặt đâu hỏi cho đại diện Vietinbank và ngân hàng này có trách nhiệm phải ghi nhận lại toàn bộ để trả lời chung một lần. Sau đó, rất nhiều luật sư đề nghị được thẩm vấn trực tiếp đại diện Vietinbank nhưng đều bị chủ tọa từ chối. Đa phần các câu hỏi được đặt ra đều liên quan đến trách nhiệm của Vietinbank đối với thiệt hại của các tổ chức.
Cụ thể, Vietinbank có chịu trách nhiệm gì hay không khi khách hàng mở tài khoản ở Vietinbank, chuyển tiền vào Vietinbank bị chiếm đoạt? Khi phát hiện ra Huyền Như giả chữ ký, làm giả con dấu lừa đảo thì các lãnh đạo của Vietinbank đều làm đúng chỉ có nhân viên chịu trách nhiệm hình sự…?
“Chẳng khác nào giao trứng cho ác”
Khác phần trả lời thẩm vấn với HĐXX trong những ngày trước đó, lần này Huyền Như rất thận trọng với các câu hỏi của luật sư đặt ra. Rất nhiều lần Huyền Như từ chối trả lời, nói đã khai với cơ quan điều tra hoặc tránh né không trả lời trực tiếp vào câu hỏi bất lợi cho mình.
Nhiều câu hỏi Như im lặng rất lâu, trước sự thúc ép của luật sư, Như phản ứng: “Bị cáo đang suy nghĩ xem ý luật sư như thế nào để trả lời ạ”. Khi luật sư hỏi về phương thức chiếm đoạt thực hiện như thế nào, huy động tiền dưới danh nghĩa cá nhân hay của Vietinbank thì Như đều nói đã khai rõ với cơ quan điều tra, đề nghị luật sư xem lại.
Về trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng mở tại Vietinbank, Huyền Như cho rằng tài khoản của khách hàng, khách hàng tự quản lý vì đó là tài sản của mình.
Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền lợi cho Navibank, phản ứng: “Nếu khách hàng mở tài khoản đem tiền đến ngân hàng gửi, bị cán bộ ngân hàng lừa chiếm đoạt tiền trong tài khoản rồi ngân hàng không chịu trách nhiệm, bỏ mặc khách hàng bị mất tiền, thì triệu triệu người dân để tiền cất giữ ở nhà còn hơn... và trong hoàn cảnh này đem tiền gửi cho ngân hàng như Vietinbank chẳng khác nào đem trứng giao cho ác!”.
Nhiều câu hỏi được đặt ra liên tục làm Huyền Như không đủ bình tĩnh trở nên căng thẳng và bật khóc tại tòa. Huyền Như kêu với HĐXX: “Luật sư đặt câu hỏi không cho bị cáo suy nghĩ trả lời, theo kiểu dẫn dắt bị cáo là ảnh hưởng đến quyền lợi cho bị cáo”.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn - nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) trước những thông tin bất thường về mối quan hệ giữa Tuấn và Huyền Như, cả hai nhân vật chính đều cho rằng không có tình cảm gì đặc biệt, đơn giản chỉ là quan hệ đồng nghiệp và hùn hạp làm ăn chung.
“Không ngờ Như đưa tôi vào con đường phạm tội” Trong phần trả lời câu hỏi của luật sư Trương Thị Hòa (bào chữa cho Huỳnh Mỹ Hạnh - chị của Huyền Như), Hạnh khai đang bán hột vịt lộn thì Như kêu về làm Phó giám đốc Công ty Hoàng Khải (do Như và Võ Anh Tuấn thành lập). “Như nói với tôi, chị là chị ruột của em, hổng lẽ em hại chị sao, kêu chị làm cái gì thì chị làm cái đó đi, em không làm cái gì vi phạm pháp luật cả. Tôi tin tưởng Như là em ruột của tôi nhưng không ngờ Như đưa tôi vào con đường phạm tội", Hạnh nghẹn ngào nói. Khi được hỏi suy nghĩ như thế nào về hành vi của mình, Như khóc nói: "Vì việc làm sai trái của bị cáo mà các đồng nghiệp, người thân phải ngồi đây cùng với bị cáo trước vành móng ngựa. Chỉ vì dính vào tín dụng đen mà bị cáo bị xoáy vào đồng tiền rồi cố gắng xoay xở mà vô tình hại mọi người, bị cáo rất ân hận". |
Theo Thanhnien