Tình tiết mới trong vụ Huyền Như chưa được VKS đối đáp

Thứ ba, 21/01/2014, 07:33
Liên quan đến việc nhân viên ACB bất ngờ nhận được thông báo số dư tiền gửi từ Vietinbank trên tài khoản mà Như đã chiếm đoạt sau khi vụ án được đưa ra xét xử, đại diện VKS vẫn chưa đưa ra ý kiến đối đáp.

Trong buổi làm việc ngày 20/1 phiên tòa xét xử Huyền Như và đồng phạm lừa chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, đại diện Viện KSND TP HCM cho biết đã hoàn thành việc đối đáp với tất cả quan điểm của các bên đưa ra. Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định việc truy tố bị cáo Như về các tội danh như cáo trạng và việc buộc Như phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền chiếm đoạt là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tình tiết mới mà phía ACB đưa ra tại phiên tranh luận tuần trước rằng nhân viên ngân hàng này bất ngờ nhận được thông báo từ Ngân hàng công thương (Vietinbank) về số dư tài khoản còn lại sau khi đã bị Như chiếm đoạt gần hết tại ngân hàng này thì đại diện Viện kiểm sát chưa đề cập đến.

huynh-thi-huyen-nhu-20-1-1167-1390230558

Theo đại diện của ACB, số dư tiền gửi của nhân viên ACB được Vietinbank thông báo gần đây cho thấy ngân hàng này đang quản lý số tiền còn lại và việc này cần phải được xác minh rõ trong vụ án. Ảnh: Hải Duyên.

Theo công bố của ông Lê Thanh Hải, đại diện được ủy quyền của ngân hàng ACB trước tòa, cách đây không lâu khi vụ án Huyền Như và đồng bọn đang bị đưa ra xét xử thì ông Phạm Công Hoàng - một trong 19 nhân viên ACB thực hiện việc gửi tiền tại Ngân hàng Công Thương với hợp đồng trị giá 26 tỷ đồng đã nhận được bức thư của Vietinbank bằng đường bưu điện. Đây là giấy xác nhận số dư tài khoản của ông Phạm Công Hoàng do bà Nguyễn Thị Ngân, Phó giám đốc Ngân hàng Công thương Chi nhánh TP HCM ký tên và đóng dấu.

Nội dung bức thư được ngân hàng ACB cung cấp cho hay, tính đến ngày 31/12/2013, số dư tài khoản của ông Hoàng là hơn 950 triệu đồng. Vietinbank đề nghị nhân viên ACB xác nhận về số dư nêu trên và gửi lại trước ngày 15/1. Nếu quá thời hạn trên mà Vietinbank không nhận được câu trả lời thì số dư nêu trên là chính xác.

Tuy nhiên, theo kết luận điều tra và cáo trạng thì Huyền Như đã giả chữ ký để đem sổ tiết kiệm do ông Hoàng đứng tên đi thế chấp tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ để vay 25 tỷ đồng, số dư còn lại là 1 tỷ đồng. Còn tại tòa, lãnh đạo Vietinbank tuyên bố số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt chưa được chuyển vào Ngân hàng Công thương và khẳng định Vietinbank không chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng, không chịu trách nhiệm về số dư trên tài khoản của khách hàng.

Đại diện ACB cho rằng, những chứng cứ trên cho thấy, tiền của khách hàng đã được chuyển vào tài khoản của Vietinbank và đang được ngân hàng này quản lý chứ không như lãnh đạo Vietinbank khẳng định trước đó rằng tiền gửi của các khách hàng trong vụ án Huyền Như chưa được chuyển vào tài khoản của họ mở tại Ngân hàng Công thương.

“Toàn bộ số tiền gửi của nhân viên ACB đã bị Huyền Như chiếm đoạt, hành vi chiếm đoạt được hoàn thành kể từ thời điểm các nhân viên này chuyển tiền vào tài khoản của mình tại Ngân hàng Công thương. Rõ ràng, đến nay, tiền trong tài khoản của nhân viên ACB vẫn còn”, đại diện ACB khẳng định.

Theo lập luận của vị đại diện ngân hàng ACB, giấy xác nhận số dư này cũng chứng tỏ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra trong việc chiếm đoạt số tiền này của Huyền Như. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại là do Huyền Như đã làm giả chữ ký của chủ tài khoản và sự quản lý lỏng lẻo của Vietinbank.

Cũng với việc ký hợp đồng ngoài trụ sở, làm việc thông qua Huyền Như mà không thông qua lãnh đạo Vietinbank, hưởng lãi suất cao, không nhận sổ tiết kiệm... nhưng số tiền trong tài khoản còn lại của nhân viên ACB không bị Như giả chữ ký để rút ra vẫn còn nguyên và vẫn do Vietinbank quản lý, trả lãi và chịu trách nhiệm mặc dù khách hàng không thực hiện trách nhiệm theo dõi số dư, xác nhận số dư.

“Giấy xác nhận số dư này cũng là bằng chứng xác định, Huyền Như không chiếm đoạt tiền gửi của ACB mà là chiếm đoạt tiền vay của Vietinbank bằng các hợp đồng vay giả. Sau đó, Ngân hàng Công thương mới trích tiền gửi của ACB để thu nợ, bù đắp cho số tiền mà Như đã chiếm đoạt. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương đã thu luôn gần 50 triệu đồng lãi tiền vay, nên số tiền 1 tỷ còn lại ban đầu giờ chỉ còn hơn 950 triệu đồng”, ông Hải khẳng định.

Ngoài trường hợp ông Phạm Công Hoàng, đại diện của ACB cũng đề nghị xác minh làm rõ các hợp đồng thế chấp mà Như đã dùng sổ tiết kiệm do nhân viên khác của ACB đứng tên vay tiền của Vietinbank thì số dư hiện nay còn nằm trong tài khoản của Vietinbank là bao nhiêu, xử lý thế nào.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần đối đáp của các luật sư với đại diện VKS.

Theo VNE

Các tin cũ hơn