Nức lòng với quy định cấm biếu tặng quà Tết hài hước
Ở nhiều cơ quan, “đi” Tết sếp như một quy định “ngầm” không thể thiếu. Biếu, tặng quà cho cấp trên để hanh thông trong công việc, hoặc đôi khi, chỉ để không bị sếp làm khó dễ, bắt bẻ ngày thường… dường như được hợp lý hóa nhất với danh nghĩa “quà Tết”. Chính thực tế méo mó ấy của việc biếu, tặng quà Tết đã khiến thủ tục này trở thành ác mộng, nhất là với giới văn phòng. Một cái Tết, thiệt hại tiền triệu, thậm chí là hàng chục triệu với “sếp” là điều không hiếm.
Đáng mừng là không phải cơ quan, doanh nghiệp nào cũng tồn tại tình trạng này.
“Ở đâu cũng thế này, chắc cuộc sống sẽ dễ thở hơn” – anh Vũ Văn Chính, giảng viên Đại học X hào hứng khi chia sẻ về quy định “Nghiêm cấm biếu tặng quà Tết” tại nơi mình đang công tác.
Thông báo ghi rõ, nghiêm cấm cán bộ nhân viên, giảng viên biếu tặng quà Tết cho cán bộ cấp trên và “không cấm điều ngược lại” với biểu tượng mặt cười ngộ nghĩnh làm nức lòng hàng trăm nhân viên cán bộ trong trường.
Bản thông báo về việc nghiêm cấm tặng quà Tết của ĐH FPT Hà Nội |
“Thật sự mình rất vui vì điều này. Trước đây, khi còn làm ở các trường khác, mình phải mang cái này, cái kia đến nhà cấp trên, thấy buồn và nhục vô cùng. Nhưng ở cơ quan nơi mình hiện làm việc, không có cái văn hóa biếu quà kiểu thế nên mọi người đều bình đẳng, tôn trọng nhau hơn. Hiệu quả công việc được coi là yếu tố quyết định chứ không phải mối quan hệ hay giá trị của quà tặng… Mình tự hào vì được làm việc trong một môi trường giáo dục sạch, không tiêu cực như vậy” – anh Chính tự hào nói.
Là lính mới tò te trong một công ty xây dựng thuộc Quân đội, nên Tết gần đến, anh Thành (Thái Hà, Hà Nội) cũng sốt sắng hỏi han mọi người trong cơ quan xem kế hoạch quà cáp thăm hỏi lãnh đạo của mình như thế nào. Và điều anh ngạc nhiên là, mọi người chỉ cười xòa, bảo: Đừng có quà cáp gì, khéo lại bị sếp cho “ăn mắng”!
Tìm hiểu kỹ anh mới biết, lãnh đạo phòng anh nổi tiếng liêm khiết. Không chỉ ngày Tết, mà bất cứ dịp lễ lạt, sinh nhật gì trong năm, bác đều từ chối mọi quà tặng dưới mọi hình thức của nhân viên. Vị lãnh đạo này còn nổi tiếng với lời dặn dò cấp dưới của mình quanh chuyện “đi Tết”: “Làm lụng vất vả quanh năm, đồng lương, thưởng ngày Tết tập trung để lo cho gia đình, con cái. Nhận quà của các chú, khác gì ăn bớt cái Tết của vợ con gia đình các chú?”.
“Nghe các anh chị đi trước nói vậy, nhân viên mới như mình thấy thú vị và phấn khởi lắm. Ngày thường thấy bác nghiêm khắc, vui vẻ, hòa đồng thật, nhưng không nghĩ thời buổi này vẫn còn những người ngay thẳng, trong sạch đến thế” – anh Thành tâm sự.
Biếu xén sếp sẽ bị phạt nặng
Chị Nguyễn Thu Huệ, Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, năm nay, tuy thưởng Tết không được cao như mong đợi, nhưng anh chị em trong văn phòng làm việc của chị cũng có phần được an ủi vì lời động viên chân tình của sếp: Nghiêm cấm mọi người đến nhà sếp chơi, biếu xén dịp Tết. Nếu đến thăm hỏi, cũng dứt khoát không được lì xì, không quà biếu… ai “vi phạm” sẽ bị phạt nặng.
Chị Huệ kể: “Lúc ngồi với anh em, sếp chia sẻ rất thật: Đời sống anh chị em còn nhiều khó khăn vất vả. Nguồn thu của cơ quan năm nay không được dồi dào, nên dù muốn cũng không thưởng Tết được cho anh em xôm tụ, nếu còn để mọi người lo lắng chuyện phong bao, phong bì, quà cáp… thì khổ tâm lắm. Nghe sếp nói tự nhiên ai cũng thấy ấm lòng. Nghĩ đến bạn bè nhiều đứa đang vò đầu bứt tai lo quà biếu sếp, mình lại thấy vui, thấy được an ủi phần nào”.
Còn chị Nguyễn Thị Dịu, nhân viên một công ty tư nhân ở Cầu Giấy, Hà Nội thì hãnh diện khoe, ở chỗ chị, chẳng bao giờ có chuyện nhân viên phải lo lắng quà biếu sếp dịp Tết.
“Có chăng ngược lại là đằng khác. Năm nào nhân viên bọn mình cũng “ngóng” lì xì của sếp. Năm ngoái, sếp lì xì cho mỗi người 500 nghìn, lại thêm một tờ 2 đô may mắn… Đầu năm, ai cũng mát lòng mát dạ. Không biết năm nay sẽ thế nào. Văn phòng dạo này khá rôm rả, lúc giải lao, mọi người còn trêu sếp, nhắc khéo vụ lì xì ấy” – chị vui vẻ cho hay.
Theo VNN