Bộ Công an vừa công bố Dự thảo lần 1 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có nội dung cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội rất ủng hộ đề xuất này của Bộ Công an.
Ông Liên cho rằng, Dự thảo này của Bộ Công an đã tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp vận tải và người lái xe từ hàng chục năm nay.
Theo lời vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông từng là nạn nhân của việc giữ xe khi vi phạm những lỗi rất nhỏ và khách quan. Tuy vậy, phải mất rất nhiều thời gian và công sức, ông Liên mới có thể “nhổ” được xe ra khỏi bãi.
“Phạm lỗi khách quan, tôi bị giữ xe và phải đi lên đi xuống mới gặp được người giải quyết. Tiền phạt không đáng bao nhiêu nhưng mất 2 - 3 ngày đi lại, khốn khổ cho cánh lái xe lắm”, ông Liên nói.
Theo kiến nghị của ông Bùi Danh Liên, Bộ Công an cũng cần phải cải tiến quá trình giám định khi xảy ra tai nạn. Bởi, nhiều khi, tai nạn xảy ra là do người khác đâm phải, nhưng xe gặp nạn vẫn bị giam giữ.
"Phương tiện không có lỗi, hãy phạt người lái xe" - ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải HN. |
“Các doanh nghiệp cũng phải vay tiền ngân hàng để hoạt động, xe giam giữ oan như vậy khác nào dìm họ chết lần nữa?”, ông Liên chia sẻ. “Hoặc, nếu có vi phạm, phương tiện không có lỗi mà người điều khiển có lỗi nên hãy phạt họ, còn phương tiện phải trả về chứ”.
Ngoài ra, ông cho rằng, nếu áp dụng công nghệ thông tin trong việc xử phạt, tất cả các bên đều thuận lợi. Theo đó, việc nộp phạt qua tài khoản cá nhân, tài khoản công ty; hay chuyển phát nhanh… để lấy xe về là một cách hiệu quả để doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, người vi phạm cũng không mệt mỏi và các cán bộ Nhà nước cũng đỡ vất vả.
Thông tin về Dự thảo này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, quy định này nhằm đơn giản thủ tục hành chính, giúp người vi phạm đỡ phiền hà do phải đi lại nhiều lần nộp tiền phạt. Theo đó, sẽ có nhiều hình thức nộp phạt chứ không chỉ nộp phạt trực tiếp.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia giao thông, việc cho phép nộp phạt trực tiếp dù tránh rắc rối cho người vi phạm nhưng nếu không kiểm soát, giám sát chặt chẽ thì dễ phát sinh tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
Dự thảo cũng quy định, trường hợp quá 10 ngày (kể từ khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính) mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa nộp tiền phạt thì bị cưỡng chế thi hành.
Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của nhà nước và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt).
Theo Zing