TP.HCM: Người mẹ khước từ mọi duyên tình đến sau để trọn lòng nuôi con tật nguyền

Thứ hai, 10/02/2014, 15:33
Đó là bà Nguyễn Thị Trực, ngụ tại số 20/8, đường Linh Đông, KP.8, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Từ khi chồng bỏ đi, 50 năm qua bà một mình làm lụng nuôi mẹ già, nuôi con tật nguyền. Mọi duyên tình đến sau, bà đều từ chối để có thể trọn lòng với con.

Không lấy ai nữa, để trọn lòng với con tật nguyền

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con bà Trực nằm khép nép bình dị bên đường sắt Bắc - Nam, đoạn gần đại lộ Phạm Văn Đồng.  Năm 1965, vợ chồng bà Trực sinh anh Lê Thanh Hùng sau 2 năm chung sống. Chẳng may đứa con duy nhất của bà mắc phải căn bệnh viêm màng não khi mới vừa chào đời.

Người chồng của bà, do chiến tranh loạn ly, phải đi đây đó. Những ngày xa nhau, gia đình gần như rạn nứt vì trong tim ông đã có một bóng hồng xa xôi nào đó. Tới năm anh Hùng 10 tuổi, sau khi phẫu thuật ở bộ phận sinh dục thì di chứng đã khiến anh bại liệt hẳn. Lúc này, chồng bà càng thêm thở dài buồn chán hàng đêm, chẳng còn tâm trí nào hàn gắn hôn nhân, vì thế ông ra đi bỏ lại hai mẹ con bà bơ vơ.

tat nguyen
Bà Nguyễn Thị Trực (74 tuổi) ngồi lặng nhìn về quá khứ buồn man mác của mình.

Bà Trực cười rưng rưng: “Hình như chúng tôi hết duyên nợ hay sao ấy. Ông ấy xin đi thêm bước nữa vì đã lỡ yêu một cô gái khác ở Vũng Tàu. Ông ấy muốn vậy thì tôi cũng không dám giữ, chứ giữ mà không được càng đau hơn ấy chứ”.

Kể từ đó bà một mình làm lụng, nuôi mẹ già, nuôi con tật nguyền. Trong những bức ảnh thời xa xưa, bà cũng là một cô gái sắc nước hương trời. Chúng tôi buột miệng hỏi về chuyện: chắc cũng có ai đó đến sau, muốn ghé lại đời bà.

Bà cười, vẫn cái cười buồn man mác: "Cũng có, nhưng người từng một thời yêu nhau rồi cưới, vừa có duyên vừa có nợ, còn bỏ đi nữa là. Giờ ai đó tự dưng bước vào đời mình, nếu họ yêu con thương con mình, mình cũng phải yêu thương chăm sóc lại họ. Nhưng như vậy tôi sợ mình không trọn lòng được với con”.

Năm 2002, mẹ của bà ra đi vì tuổi già. Cảnh nhà càng trơ trọi, vắng người bầu bạn. Năm 5 tháng sau, lúc đi làm về, bà nhìn thầy một đứa bé còn đỏ hỏn, bị cha mẹ vứt lại bên đường. Bà tin đây là định mệnh, và vì nỗi đồng cảm cảnh bị bỏ rơi, bà liền mang đứa bé về nuôi.

Sau này, khi đã hoàn thành giấy tờ, đứa bé hợp thức hóa thành cháu nội của bà. Đứa trẻ ấy là Nguyễn Thanh Toàn, hiện đang là học sinh lớp 6 tại trường THCS Linh Đông.

Bà cũng tiết lộ: “Thực ra thì  Toàn  là đứa thứ hai mà tôi nhặt được và đem về nuôi. Nhưng đứa trước nuôi được hơn hai năm thì mẹ nó đến xin nhận về, đến giờ vẫn không thấy liên lạc gì nữa”.

tat nguyen

Hình ảnh hai vợ chồng của bà khi còn trẻ. Ngày ấy họ yêu nhau và quyết định yêu nhau dù có nhiều khó khăn. Thời trẻ bà rất xinh đẹp.

tat nguyen

Những chuyến tàu ngày đêm đi ngang qua nhà bà. Những người đàn ông đến sau cũng thế, bà quyết định để họ đi ngang rồi đi mất.

tat nguyen

Năm mươi năm qua, bà dành trọn tuổi trẻ tâm trí cho con trai tật nguyền.

50 năm một mình làm đủ nghề nuôi con

Kể từ ngày bị bại liệt, tâm trí và hành động của anh Hùng cứ như một đứa trẻ con. Mọi sinh hoạt thường ngày đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân.

“Từ cái hồi ông ấy (chồng bà Trực) đi cho tới giờ, mọi công việc trong gia đình đều do một tay tôi. Hồi ấy mẹ tôi còn sống thì còn phụ tôi trông nom thằng Hùng để tôi đi làm...” -  bà Trực ngậm ngùi chia sẻ.

tat nguyen

Di chứng của bệnh viêm màng não và phẫu thuật khiến anh Hùng bại liệt. Phần chân hầu như không cử động được. Anh cứ ngây ngô như một đứa trẻ.

Mấy chục năm nay gia đình bà luôn trong cảnh khó khăn bởi ba bốn miệng ăn, cộng thêm tiền thuốc thang cho người già yếu, trẻ bệnh. Không từ chối bất cứ việc chân chính nào có thể làm ra tiền, bà làm cả ngày lẫn đêm từ bó chổi cọng dừa, bán hoa, chăm sóc mai cảnh, giúp việc nhà….

Cũng có khi, thời buổi khó khăn, bà phải gánh bộ hàng xuống tận khu vực Biên Hòa (Đồng Nai) để bỏ mối. “Chổi ở dưới miền Tây được mang lên đây bỏ mối nhiều nên hàng tôi cũng khó bán được, tôi phải  theo một số người đi bỏ mối mãi dưới khu Biên Hòa. Cứ đi bộ như thế thôi. Giờ về đó nhắc tới tôi, chắc ai cũng nhớ” – bà chia sẻ.

Mấy năm về đây, do sức khỏe bị suy giảm khá nhiều nên bà Trực cũng không thể làm được nhiều việc. Đó cũng là lý do khiến mọi người sợ liên lụy, không dám nhận bà vào làm nữa.

tat nguyen

Cuộc sống thường nhật của gia đình bà.

tat nguyen

Nguyễn Thanh Toàn là niềm hy vọng lớn lao của gia đình bà.

tat nguyen

Bà ước mong thời gian có thể trôi qua thật chậm để bà mãi được bên cháu, bên con như thế này. Bà mong có thể làm nốt cái nghĩa tình mẫu tử như đã từng làm hơn nửa đời mình.

Bà Trực kể: “Năm kia, tôi có phụ việc nhà cho một gia đình ở An Phú Đông (Q.12). Công việc cũng không mấy nặng nhọc, đủ giúp tôi trang trải một số khoản. Một hôm, không biết làm sao mà tôi xỉu ở nhà người ta. Người ta sợ quá, cho tôi một ít tiền rồi không dám mướn tôi nữa”.

Thấy hoàn cảnh của gia đình bà cụ Trực đáng thương, chính quyền địa phương các cấp và bà con làng xóm cũng phụ giúp “cân gạo, chén muối” để gia đình bà có cái ăn qua ngày.

Chị Lê Thị Nhiều - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 8 - P.Linh Đông cho biết: “Gia đình của bà Trực thuộc diện khó khăn của phường Linh Đông. Hằng năm, để chia sẻ gánh nặng của gia đình thì khu phố 8 chúng tôi và phường Linh Đông cũng trao tặng quà cho gia đình. Đồng thời, cũng đưa anh Hùng và cháu Toàn vào diện chính sách được hỗ trợ…”.

Anh Kiến Đức - hàng xóm của bà Trực chia sẻ: “Ở đây ai cũng đều quý và thương gia đình cụ cả. Thấy gia đình bà khó khăn, chúng tôi cũng không biết giúp đỡ như thế nào. Hàng tháng, người ký gạo, người ký muối, chai mắm mà hỗ trợ cụ vậy”.

Nhờ những sự quan tâm của bà con làng xóm mà cuộc sống thường ngày của bà Trực bớt phần lo toan. Nhưng có lẽ, điều mà bà lo lắng nhất không chỉ dừng lại ở đó. Ở cái tuổi 74, bà vẫn luôn lo nghĩ cho tương lai hai người thân của mình khi một mai bà mất đi.

Theo PLXH

Các tin cũ hơn