Theo dự thảo về việc tinh giản biên chế Bộ Nội vụ vừa công bố, từ 2014 đến năm 2020 sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng.
Thông tin này thu hút sự quan tâm của dự luận với nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng về những tiêu chí căn cứ để thực hiện tinh giản.
Lý giải điều này, “cha đẻ” của dự thảo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản cho rằng: “Chúng tôi chỉ đưa ra bản soạn thảo dự thảo còn các tiêu chí đánh giá để loại bỏ công chức thì phải theo luật cán bộ, công chức chứ không phải việc của chúng tôi”.
"Giảm 100.000 biên chế không phải là giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức".
Lời giải thích cho có này khiến nhiều người nhớ lại một số lần hô khẩu hiệu tinh giản lần trước và càng thêm nghi ngờ tính hiệu quả của việc "giảm 100.000 biên chế".
Không phải là giải pháp
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Võ Đại Lược nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, quyết định của Bộ Nội vụ chỉ là chuyện nhỏ, không đáng bàn bởi nó không có ý nghĩa gì đối với đời sống kinh tế xã hội.
“Như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói 30% cán bộ công chức hiện nay là ngồi rồi thì phải là trên 800.000 người mới có ý nghĩa. Đằng này có hơn 100.000 người mà lại trong 6 năm nên không có gì để bàn, bàn nhiều người ta lại tưởng có ý nghĩa lắm. Nói là giải pháp nhưng bản chất không có gì là giải pháp. Nó hoàn toàn vô nghĩa với đời sống kinh tế xã hội hiện nay”, ông Lược nói.
Cũng theo ông Lược, không ít người vào biên chế không có năng lực nên có loại 100.000 người hay nhiều hơn thế cũng không ảnh hưởng gì đến kinh tế xã hội cũng như không sợ oan ức, thiệt thòi cho ai. “Thử hỏi có anh nào thủ khoa, á khoa mà vào nhà nước làm không? Có năng lực thật sự họ làm ngoài hết nên yên tâm có loại cũng không có nhân tài để loại”, ông Lược lý giải.
Đồng quan điểm, thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế đưa ra nhiều lần rồi nhưng không thành công, thậm chí là thất bại, hàng chục văn bản nói mà không làm được.
Cụ thể, từ năm 1995 tới nay, đã nhiều lần Chính phủ đưa ra yêu cầu giảm biên chế nhưng kết quả mỗi lần cụ thể thế nào thì không có thông tin rõ ràng. Theo dư luận chung, mỗi lần có quyết định của nhà nước về giảm biên chế, không những giảm mà số lượng còn tăng lên.
“Tôi biết có những nơi trước khi giảm biên chế là 40 người giờ đã là 100 người, có những đơn vị năm 95 chỉ 14 người giờ đã 80 người mà công việc chỉ thế thôi, quy mô chỉ mở rộng chút ít.
Như vậy, đây không phải là lần đầu mà chính phủ nhiều lần đã đưa ra quy định. Là một cử tri, tôi yêu cầu Chính phủ thống kê rõ ràng số lượng giảm, tăng mỗi lần có quy định để người dân biết mà ủng hộ hay phản đối. Đây là việc không có gì quá nhạy cảm mà phải bưng bít”, ông Cương ý kiến.
Cũng theo Thiếu tướng Cương, ông nghi ngờ cơ sở khoa học của con số 100.000 người mà Bộ Nội vụ đưa ra.
“Không hiểu dựa vào đâu Bộ Nội vụ lần này lại đưa ra con số 100.000 người. Tôi cho rằng, con số này không dựa trên cơ sở khoa học, điều tra cơ bản mà chỉ là “trên trời rơi xuống” nên sẽ không đem lại hiệu quả.
Trong cuộc họp Quốc hội vào cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ nội vụ cho biết, theo báo cáo của các địa phương chỉ có 1% cán bộ công chức không có năng lực sáng cắp ô đi, tối cắp ô về vậy lần này Bộ Nội vụ dựa vào đâu để đưa ra con số 100.000 người.
Trong khi, trước đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nói 30% quan chức, công chức không có năng lực đảm đương công việc đang làm. Tôi nghiêng về ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cho là trung thực. Vì thế, bộ máy nhà nước này không có 30% thì cũng thế thôi”, ông Cương phân tích.
Đi vào vết xe đổ, đánh bùn sang ao
Với cách “làm cho có” như hiện nay, Thiếu tướng Cương cho rằng, chúng ta đang đi vào vết xe đổ, nó có thể không tệ hại như trước nhưng chỉ nhúc nhích một chút.
“Bộ máy hành chính thì Văn phòng Chính phủ giảm hàng nghìn người có dám không, các ban ngành, các bộ giảm đến đâu. Cái này phải làm rõ, không có cơ sở căn cứ ai tin được. Mọi việc nhất là hoạt động quản lý phải dựa trên kết quả điều tra rất cơ bản, tin cậy thì mới đưa ra chủ trương được. Con số 100 ngàn chỉ là nêu thế thôi.
Nó cũng như trước đây một địa phương nào đó đưa ra yêu cầu năm 2020 phải đào tạo 20 nghìn tiến sĩ, để làm gì. Thành phố nào đó đưa ra yêu cầu năm 2020 phải đưa 10% cán bộ lên tiến sĩ. Những con số tầm phào chỉ làm người dân kém lòng tin hơn chứ không có tác dụng gì cả”, thiếu tướng Cương bức xúc.
Thiếu tướng Lê Văn Cương.
Để đưa ra giải pháp hiệu quả, theo ông Cương, Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng Chính phủ điều tra xem bộ máy công quyền bây giờ thế nào, trong lĩnh vực này, lĩnh vực kia thừa bao nhiêu, cần tinh giảm bao nhiêu?, Chính phủ bao nhiêu, địa phương bao nhiêu… Sau đấy mới đưa ra được con số tổng thể.
“Chốt lại mọi chủ trương phải dựa trên những hiểu biết thấu đáo qua điều tra xã hội học, làm nghiêm túc và tin cậy mới đưa ra được chứ không phải đưa ra là người dân vui mừng, phấn khởi. Nếu không rõ ràng, cụ thể thì lần này cũng chỉ là “đánh bùn sang ao” mà thôi.
Từ nay đến 2020 có 300-400 nghìn người ở độ tuổi nghỉ hưu rồi nên nếu không loại họ ra khỏi danh sách thì đến năm 2020 báo cáo hoàn thành nhiệm vụ là điều tất nhiên. Nói chung cách làm này rất hú họa, mù mờ, không thể tin cậy được. Nói thẳng ra là tôi không tin, tôi chỉ đề nghị chính phủ thông báo cho người dân từ 1996 đến giờ có mấy lần giảm biên chế, mỗi lần giảm bao nhiêu tăng bao nhiêu”, ông Cương nói thêm.
Nói về hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các đợt tinh giản, ông Cương cho rằng, đây là chuyện thường xảy ra, “ắt sẽ có” khi những người ở mắt khâu quyền lực hay lợi dụng chính sách tốt đẹp bẻ cong trở lại. Câu chuyện lần này cũng như muôn vàn câu chuyện trước đó và chuyện chạy tiền giữ chỗ đó chắc chắn sẽ có.
Theo NDT