Vụ 'hôi nhãn' ở Quảng Bình: Chỉ có một sự thật!

Thứ tư, 12/02/2014, 16:01
Xe nhãn gồm 2.000 thùng, mỗi thùng 12kg bị lật, đổ xuống đèo là một khối lượng vật chất rất lớn...

Hình ảnh hiện trường vụ lật xe chở nhãn do Cty Bích Thị cung cấp

Hình ảnh hiện trường vụ lật xe chở nhãn do Cty Bích Thị cung cấp.

Những ngày qua, trên truyền thông đưa tin và hình ảnh về một vụ "hôi của" xảy ra tại huyện Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình (QB) khi một xe đầu kéo container chở trái cây nhập khẩu bị tai nạn.

Ngày 11/2, tại TP.Đồng Hới (QB) đã diễn ra cuộc họp báo về vụ này. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa khẳng định:  “Không có vụ hôi của như các báo đã đưa”, cùng lúc đó, lãnh đạo Cty Bích Thị (có xe bị tai nạn) nói  “chúng tôi còn nguyên băng ghi hình vụ tranh nhau hôi của”.

Có hai sự thật?

Tại buổi họp báo, ông Đinh Quý Nhân - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa - đã báo cáo lại toàn bộ sự việc và khẳng định, không có việc người dân "hôi của", "man rợ"; không có chuyện cán bộ CA bất lực như một số báo nêu.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa: Khoảng 12h ngày 21/1, tại Km 108+50 QL 12A thuộc địa phận thôn Thanh Long (xã Hóa Thanh, H.Minh Hóa) xe container BKS 89C-016.53 kéo theo rơ-moóc BKS 89R-000.13 do anh Lê Văn Công (SN 1982, trú tỉnh Hưng Yên) điều khiển đi hướng từ Cha Lo về Ngã 3 Khe Ve, khi đến địa điểm trên thì bị tai nạn, đầu và giàn xe bị lật nghiêng trên đường.

Riêng container hàng hoa quả (nhãn) bị rơi xuống lưng chừng dốc khoảng 50m, container bị vỡ làm số hoa quả rơi vãi tung tóe quanh khu vực nơi xe bị lật; dọc sườn dốc và rơi xuống khe nước, vực sâu khoảng 80m. CA xã Hóa Thanh đã cử tổ công tác gồm 3 đồng chí do đồng chí Phạm Hồng Sơn - Trưởng CA xã - làm tổ trưởng cùng tổ công tác của Đồn CA Hóa Tiến gồm 5 đồng chí đến hiện trường.

Văn bản trên khẳng định: CA yêu cầu người dân không được lấy số nhãn rơi vãi, số nhãn đã gom được thì trả lại cho nhà xe, bà con đã đồng tình thực hiện yêu cầu của CA. Lực lượng CA đã chuyển giao số nhãn do dân gom nhặt cho đại diện chủ hàng, người đại diện chủ hàng thấy số nhãn bị giập nát, hư hỏng nên không nhận (có cam kết).

Chủ hàng, chủ xe, người điều khiển phương tiện chỉ yêu cầu lập biên bản xác nhận việc rủi ro trong tham gia giao thông để được phía Cty bảo hiểm hỗ trợ, đồng thời cam kết xin tự khắc phục hậu quả. Chủ xe, lái xe đã cảm ơn sự giải quyết đầy trách nhiệm của CA và sự giúp đỡ của người dân.

Cùng thời điểm diễn ra họp báo, PV đã làm việc với ông Trịnh Duy Hưng - Phó GĐ Cty Bích Thị (đơn vị có xe chở nhãn bị lật). Ông Hưng nói, sau tai nạn xảy ra, từ yêu cầu của Cty, có khoảng 6 - 7 cán bộ CA có mặt tại hiện trường, nhưng do số người hôi nhãn quá đông nên họ bất lực, không ngăn chặn được. Ông Hưng khẳng định: “Chúng tôi còn giữ nguyên băng hình ghi lại cảnh người dân tranh nhau hôi của” và “việc CA xã Hóa Thanh trong biên bản TNGT ghi không thiệt hại tài sản thì thật nực cười, cả container lạnh trị giá 200 triệu đồng hư hỏng nặng sau tai nạn là minh chứng”.

Những câu hỏi để tìm ra sự thật

PV đặt câu hỏi với lãnh đạo Cty Bích Thị rằng, chính nhân viên, lái xe của Cty đã ký vào biên bản có nội dung là do nhãn hư hỏng nên bỏ nhãn để cho nhân dân lấy; tại sao bây giờ lại đặt ra vấn đề hôi của? Ông Hưng:  “Anh Bảy là công nhân không thường xuyên của Cty và được Cty gọi đến hiện trường (sau 2 tiếng mới có mặt).

Lúc xảy ra tai nạn chỉ có anh Công là lái xe. Thời điểm đó, lái xe có lẽ không suy nghĩ được việc gì khác, thậm chí có tâm lý cuống. Và cũng có thể cán bộ CA làm biên bản đã “hướng” vụ việc theo cách của mình. Lái xe ký và cũng không đọc lại biên bản”.

Về nội dung trả lời trên báo, lái xe Công nói rằng, chỉ 10 phút sau khi tai nạn, hàng trăm người dân đã lao vào hôi của, ông Hưng khẳng định:  “Lái xe nói không chính xác. Văn phòng Cty tại Hà Nội thông tin qua lại liên tục với lái xe Công thì cũng phải mất hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ (từ khi xảy ra tai nạn) thì số hàng đó mới bị lấy hết”.

Tại cuộc họp báo, một số phóng viên đã nêu câu hỏi về hình ảnh chiếc đò chở nhiều thùng trái cây nhưng đã không nhận được câu trả lời, sự giải thích thỏa đáng. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cũng nêu rằng, lúc xảy ra vụ việc, đường bị tắc nghẽn, trong đó có nhiều xe khách. Như vậy, câu hỏi đặt ra, hành khách trên những chuyến xe này có tham gia “lượm nhãn để ăn” không?

Chỉ có một sự thật

Xe nhãn gồm 2.000 thùng, mỗi thùng 12kg bị lật, đổ xuống đèo là một khối lượng vật chất rất lớn. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa khẳng định, đại diện Cty và tài xế điều khiển xe bị nạn đều đã ký vào văn bản xác nhận số hàng (nhãn) trong chiếc xe bị nạn đã bị giập nát, hư hỏng nên không nhận lại.

Dù vậy, ông Nhân vẫn nói: “Tuy vậy tôi không loại trừ là cũng có người dân đã lấy nhãn bị hư hỏng để ăn, nhưng số người đến thu gom nhãn giúp lái xe cũng không phải là ít. Tôi rất buồn và bức xúc khi có báo đã đưa thông tin “hôi của” thiếu sự kiểm chứng và không chính xác. Để có thông tin nhiều chiều, chúng tôi cũng đã nhiều lần tìm cách gặp lãnh đạo Cty Bích Thị để làm rõ vụ việc nhưng đều không gặp được”.

Chính quyền địa phương đã rất cầu thị để sớm có một sự thật. Vấn đề quyết định là Cty Bích Thị cho công bố “băng ghi hình về vụ tranh nhau hôi nhãn” như đã khẳng định với PV?

Theo Lao động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích