Thuê xe ôm bỏ mẹ 80 tuổi ở nghĩa địa giữa đêm

Thứ hai, 24/02/2014, 13:46
Câu chuyện đau lòng trên là những gì mà cụ Đỗ Thị Phiếu (78 tuổi, trú ở xóm Đông, thôn An Dõng, xã Bình Thành, H.Tây Sơn, Bình Định) vừa trải qua.

Chồng mất sớm, cụ Phiếu (vốn ở thôn Tân Nghi, xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn, Bình Định) một mình nuôi 3 con trai lần lượt từ lớn tới nhỏ là: Nguyễn Ngọc Thống, Nguyễn Ngọc Sáu, Nguyễn Ngọc Bộ.

xe om

Nhà của ông Nguyễn Ngọc Thống.

Sau khi lập gia đình, người con cả sống ở quê vợ tại thôn An Dõng. Gia đình Sáu sống trên đất cha mẹ ở thôn Tân Nghi. Người con út sống theo quê vợ ở thôn Bình Đức, xã Cát Tân (H.Phù Cát, Bình Định). Khoảng 3 năm trước, cụ Phiếu cắt hộ khẩu ở thôn Tân Nghi để về sống với con trai cả ở thôn An Dõng.

xe om

Cụ Phiếu.

Cụ Phiếu kể: “Trước Tết Giáp Ngọ, con trai út lên nhà anh cả tìm tôi để hỏi sổ hộ khẩu. Nhưng sổ hộ khẩu đã mất từ thời còn ở nhà cũ (tại thôn Tân Nghi - PV) nên tôi không có để đưa. Thế là thằng Bộ chửi bới cả tôi và chị dâu của nó. Gia đình con dâu cả nói rằng con trai út tôi mất dạy, khuyên con dâu không nên nuôi tôi ở nhà nữa. Chiều mùng 7 Tết Giáp Ngọ, con dâu cả bắt xe đò đưa tôi xuống nhà con trai út để ở”.

Theo lời cụ Phiếu, khoảng 3 giờ sáng mùng 8 Tết Giáp Ngọ, vợ chồng con trai út gọi một người chạy xe ôm đến nhà, yêu cầu chở mẹ đến bỏ ở nghĩa trang xã Bình Hòa (gần nhà ông Thống). Người lái xe ôm bảo đó là chuyện thất đức, tàn ác nên không làm.

Lúc đó, cụ Phiếu cũng nói: “Cái gì cũng đợi đến sáng, tao già yếu rồi, đêm hôm lạnh thế này mà chở ra đường thì tao chết có mà làm khổ bọn bay”. Tuy nhiên, vợ chồng ông Bộ vẫn dùng xe máy chở mẹ đến bỏ trước nhà bà Phan Thị Ảnh (ở xóm Đông, thôn An Dõng), cách nhà ông Thống khoảng 150m, rồi bỏ về.

xe om

Bà Phan Thị Ảnh kể chuyện cụ Phiếu bị bỏ rơi lúc gần 4 giờ sáng.

“Lúc đó, tôi yếu quá nên chỉ gọi được một câu: Bảy (tên thường gọi của bà Ảnh - PV) ơi, mở cửa cho bác vào với. Cũng may mà con Bảy nghe chứ không tôi chết cóng rồi. Nuôi 3 đứa con trai khôn lớn, vậy mà khi về già chỉ ở được nhà con trai cả gần 3 năm. Nhà con trai thứ hai chỉ ở được có 5 ngày, đến ngày thứ 6 thì bị con dâu đuổi. Con trai thứ ba thì ở chưa đến nửa ngày đã bị chở bỏ ra đường”, cụ Phiếu than thở.

Theo bà Ảnh, lúc nghe tiếng gọi của cụ Phiếu đã gần 4 giờ sáng mùng 8 Tết Giáp Ngọ. Lúc đó, cụ Phiếu rất yếu, người run cầm cập vì lạnh. Sau khi mở cửa dẫn cụ Phiếu vào nhà, gia đình bà Ảnh đã hơ lửa sưởi ấm, chăm sóc cho đến gần sáng thì gọi bà Hoàng Thị Tùng, vợ ông Thống, ra đón mẹ chồng về.

Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, bà Tùng sai con trai chở cụ Phiếu xuống bỏ ở nhà bà Nguyễn Thị Tâm (84 tuổi, ở thôn Đại Chí, xã Tây An, H.Tây Sơn) là chị gái bà Phiếu. “Tôi bị thương tật ở chân, chồng tôi là ông Trần Ngọc Liên (88 tuổi) cũng đang bị bệnh tim nên phải sống nhờ vào con cái. Rất may là các con của tôi sẵn sàng nuôi dì Phiếu. Thời xưa, em tôi đi mót từng hạt lúa ngoài đồng về nuôi con mà bây giờ thì bị con bỏ rơi”, bà Tâm nói.

Đùn đẩy trách nhiệm nuôi mẹ già

Hiện gia đình ông Thống dẫn nhau vào miền Nam làm ăn. Còn ông Nguyễn Ngọc Bộ thì phân bua: “Nếu vợ chồng anh Thống không nuôi mẹ già thì cả vợ chồng dẫn mẹ xuống nhà tôi chứ sao lại để khi anh trai đi vắng, chị dâu thả mẹ ngoài đường làm sao tôi dám nuôi? Tôi chở mẹ lên sáng sớm chứ trưa chị dâu đi vào Nam mất”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Sáu thì cho biết đã gọi điện cho anh cả Nguyễn Ngọc Thống và ông Thống hẹn cuối tháng sẽ về quê giải quyết chuyện gia đình.

Theo ông Lê Bá Sơn, Trưởng thôn Tân Nghi, cụ Phiếu có miếng đất được cắt làm 4 phần, mỗi người con trai được chia 1 phần, phần còn lại cụ Phiếu ở.

Cách đây khoảng 3 năm, người con trai cả về làm thủ tục xin sang tên phần đất của mẹ sang của mình và có cam kết sẽ phụng dưỡng mẹ già. Các con cụ Phiếu tuy không giàu nhưng kinh tế đều ổn định. Trong đó, ông Thống vào miền Nam theo nghề đàn ca tài tử, ông Sáu đi buôn gỗ và ông Bộ buôn bán trái cây.

“Trước đây, các con bà Phiếu không có mâu thuẫn gì với nhau. Tôi chỉ nghe là mỗi lần đi làm xa, ông Thống đều chở mẹ đi gửi nhà người khác. Gần đây, không hiểu sao lại xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm nuôi mẹ già”, ông Sơn nói.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Võ Hồng Nam (Đoàn luật sư tỉnh Bình Định), việc xử lý hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình được quy định rất rõ trong điều 151 bộ luật Hình sự.

Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe hoặc chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu nhẹ thì sẽ bị xử lý hành chính.

Người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Trong trường hợp con cái mà đem vứt bỏ cha mẹ ngoài đường, nếu xảy ra bệnh tật, ốm đau... làm ảnh hưởng, gây nguy hiểm đến tính mạng của cha mẹ thì vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích