Bố mẹ cấm con cái ra khỏi nhà sẽ bị phạt 300.000đồng

Thứ năm, 11/07/2013, 14:08
Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền đến 300.000 đồng nếu có hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc.

Đó là quy định mới trong dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình mà Bộ Công an mới soạn thảo và công bố trên cổng thông tin điện tử của mình vào ngày 8/7.

Đặc biệt, trong dự thảo này cũng nêu rõ, nếu không cho thành viên gia đình đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình hoặc tiếp cận với thông tin đại chúng hàng ngày hoặc không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh cũng sẽ bị phạt tiền với mức phạt như trên. 

xu phat

Bố mẹ cấm con cái ra khỏi nhà cũng bị phạt tiền?.

Mặc dù bản Nghị định lần này Bộ Công an đã lấy ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp trước khi đi vào thực hiện chính thức nhưng vẫn gây ra nhiều băn khoăn về tính khả thi của nhiều quy định.

Dư luận cho rằng nhiều quy định khác như sẽ bị "đắp chiếu", chờ thông tư hướng dẫn, hay ban hành rỗi gỡ bỏ giống như nhiều văn bản đã được ban hành trước đó.

Nhiều quy định "trên trời" trong thời gian ngắn

Ngày 28/2, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã ra văn bản đề nghị Bộ VHTT&DL hủy công văn số 242 có nội dung quy định về vòng hoa luân chuyển, rắc vàng mã, lắp kính quan tài trong tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Trong quá trình kiểm tra, nội dung công văn 242 với các văn bản khác, Cục kiểm tra văn bản cũng nhận thấy sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy chuẩn của Đảng và Nhà nước về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng trong ngày 28/2, Đại tá Trần Thế Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết Bộ Công an đã quyết định rút khỏi dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật cư trú nội dung xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc xuất cảnh 2 năm trở lên.

Trước đó, Bộ Công an đưa ra quan điểm này trong dự thảo luật và cho rằng những trường hợp này chỉ là xóa tên trong hộ khẩu, khi người xuất cảnh về nước hoặc người đi tù mãn hạn tù thì sẽ được tạo điều kiện nhanh chóng nhập khẩu trở lại. Tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều ý kiến phản đối, cho rằng không đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân được quy định trong Hiến pháp.

xu phat

Bộ Tư pháp yêu cầu hủy bỏ công văn về tổ chứ tang lễ cán bộ, công chức.

Thậm chí, ngày 26/2, Bộ GD&ĐT còn ra thông tư sai luật khi trong Thông tư 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng quy định tại thông tư đã thể hiện không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân và đề nghị Bộ GD&ĐT phải sửa lại theo đúng quy định pháp luật.

Cùng chung với phận với những quy định trên, Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông, không sử dụng điện thoại nơi cây xăng... vốn được người dân gọi là những quy định khó mà thực hiện được.

Hay như Nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) và thông tư 30 của Bộ Y tế về “Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” đã bị nhiều người phản ứng.

Bộ trưởng Tư pháp phải lên tiếng thừa nhận có khuyết điểm trong thẩm định các quy định như chứng minh thư ghi tên cha mẹ, phạt xe chính chủ... của Bộ Công an gây ra nhiều tranh cãi.

Ra văn bản "trên trời" phải cách chức, bồi thường thiệt hại cho dân

Nói về nhưng văn bản "trên trời" này, ông Vũ Đức Đam cho biết: "Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là vấn đề công tác tổ chức cán bộ, là nhận thức của cả bộ máy, đặc biệt là những người đứng đầu.

Nhưng các cơ quan của Chính phủ cũng cần căn cứ vào ý kiến phản hồi của nhân dân để xem xét nghiêm túc văn bản ban hành ra có đúng không. Nếu đúng để tuyên truyền thực hiện, nếu sai thì sửa; nếu chưa đủ cụ thể thì phải hướng dẫn; nếu tổ chức thực hiện sai thì phải nhận và điều chỉnh lại cho đúng".

xu phat

Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ lo ngại trước hàng loạt các quy định được ban hành mà "đắp chiếu" khiến dân coi nhẹ Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và nghi ngờ năng lực quản lý nhà nước.

GS Thuyết cho rằng, tình trạng ban hành nhiều VBQPPL rồi “đắp chiếu” để đấy sẽ gây phí phạm tiền của bởi mỗi nghị định, thông tư đều phải qua rất nhiều khâu biên soạn, thẩm định, xét duyệt mới có thể được ban hành.

Tùy từng trường hợp mà mức độ xử lý nặng nhẹ khác nhau, từ phê bình nhắc nhở tới chuyển công tác hoặc phải chịu những hình thức kỷ luật đã quy định trong Luật Cán bộ, công chức.

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho rằng: "Nếu xác định được mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đời sống, kinh tế người dân khi ra văn bản trên trời thì phải cách chức, bồi thường cho dân".

Ông Quyền phân tích: Những văn bản bị thu hồi, hủy bỏ chưa chắc nó đã trái với văn bản của Quốc Hội, của Nghị quyết QH mà có khi nó chỉ là không phù hợp. Trong trường hợp đó, sẽ bị xem xét trách nhiệm khi ban hành: Ban hành chưa cẩn thận, chưa xem xét thì chỉ tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Còn trong trường hợp ban hành trái thì mới phải quy trách nhiệm.

Ông Quyền nêu ra ví dụ: "Đối với quy định thịt 8 tiếng, Bộ NN&PTNT đã đứng ra nhận kiểm điểm đó là trái luật và rõ ràng phải xử lý. Người có thẩm quyền ban hành phải đứng ra chịu trách nhiệm, cụ thể ở đây là Bộ NN&PTNT. Nếu xác định được mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đời sống, kinh tế người dân thì phải cách chức, bồi thường cho dân".

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn