Nói đến sửa xe mọi người thường nghĩ tới đó là công việc của đàn ông, nhưng tại Sài Gòn, không ít phụ nữ chọn cho mình cái nghề mưu sinh vất vả này. Trên 30 năm nay, những phụ nữ ở tiệm sửa xe đường Âu Cơ, quận Tân Bình vẫn miệt mài vá lốp xe máy, ô tô, xe tải. Ảnh: Trong các chị em, cô Ba là người có thâm niên nhất. Ở tuổi 60, cô có hơn 30 làm bạn với dầu nhớt. Cả gia đình có 9 người con gái thì đến 7 người theo nghề sửa xe. Các cô chấp nhận sự nặng nhọc của nghề, bỏ qua những nhu cầu làm đẹp của bản thân vì miếng cơm manh áo. Ảnh: Trong số các chị em thì cô Đỗ Kim Hoàn (53 tuổi) vững tay nghề nhất. Không chỉ biết thay lốp, xăm xe mà cô còn sửa được máy, làm bố thắng, tăng sên, sửa xe tay ga... |
Bốc vác là công việc không phải người đàn ông nào cũng làm được nhưng không ít phụ nữ chọn công việc nặng nhọc này làm “cần câu cơm”. Không kể nắng, mưa, những chiếc xe tải chở phân đạm vừa dừng lại bên kênh Tẻ (quận 7, TP.HCM), hàng chục phu cảng, trong đó có nữ phu cảng (chủ yếu từ miền Tây) lập tức kề đôi vai gầy gò, chai sần vác từng bao đưa xuống tàu. Ảnh: Chị Lê Thị Tam (47 tuổi, quê Long An) cùng đồng nghiệp vác những bao tải phân đạm. |
Đôi tay họ ghì chặt lấy bao hàng 50kg trên lưng, đôi chân bám chặt lấy thanh gỗ được bắc từ mé kênh xuống mạn tàu để làm cầu. Không chỉ công việc bấp bênh, đồng lương còm cõi mà tai nạn có thể ập xuống với họ bất cứ lúc nào. Ảnh: Nguy hiểm luôn rình rập bởi sức nặng của bao hàng, khi họ phải chênh vênh bước trên những tấm ván cao có khi đến gần chục mét. |
Những “bóng hồng” mưu sinh bằng nghề lái xe buýt rất hiếm hoi ở Sài Gòn. "Có lẽ nhiều năm qua xe buýt gây chú ý nhiều vì gây tai nạn, kẹt xe đến nỗi nhiều bác tài lão làng cũng căng thẳng bỏ nghề, huống chi là nữ giới lại chọn nghề này nên nhiều người thấy lạ", chị Lê Thị Hồng Hạnh, mới 26 tuổi nhưng đã sống với nghề gần 10 năm, cho biết. Ảnh: Chị Hạnh - một tài xế xe buýt "của hiếm" ở Sài Gòn. |
Hàng đêm tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM người ta vẫn bắt gặp những chị em làm chủ những chiếc xe tải lớn chở rau quả từ miền Tây về đây bán. Mọi người gọi các chị là “nữ hoàng” bóng đêm. Công việc bắt đầu từ chiều, chạy quanh các tỉnh thu gom hoa quả, đến tối xe khởi hành về Sài Gòn. Khoảng nửa đêm xe tới chợ đầu mối, chị xuống hàng và giao hàng cho các chủ mối. Nghỉ ngơi ít giờ lại quay xe đi lấy hàng chở ngược lại miền Tây giao cho các đại lý và kết thúc vào sáng hôm sau. Ảnh: Chị Trần Thị Phương Hồng (quận Thủ Đức) chạy xe tải vào bến để giao hàng cho các chủ mối. |
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền (quận 8), lẫn trong hàng trăm đàn ông là những nữ cửu vạn cùng đẩy kéo hàng. Họ làm việc lúc 8h tối khi những chuyến xe chở hàng đầu tiên về cho đến 6h sáng hôm sau. |
Công việc đòi hỏi những phụ nữ này phải có sức khỏe dẻo dai mới có thể làm được trong đêm, mặt đường lô nhô đá, mùa mưa đầy bùn đất. Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, mỗi chuyến xe chỉ được vài chục ngàn nhưng vì cuộc sống gia đình nên họ phải theo nghề cực nhọc này. Ảnh: Chị Nguyễn Thị Út (quê Vĩnh Long) dừng xe hàng đầy ắp nghỉ ngơi ít phút trong khi chờ chất hàng vào sạp cho chủ. |
Để có được đồng tiền chân chính, họ từ các miền quê lên thành phố mưu sinh bằng nghề phụ hồ, phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, nguy hiểm để lo cho cuộc sống gia đình. Phần lớn chủ thầu không ký hợp đồng lao động, không mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn bởi đa số họ là lao động thời vụ. Ảnh: Trong xây dựng, không ít phụ nữ có thể làm những phần việc đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai của đàn ông. |
Theo sự phân công lao động thông thường, những công việc nặng nhọc dành cho nam giới, việc nhẹ do nữ giới đảm nhiệm nhưng không ít phụ nữ vẫn phải làm những công việc vượt quá sức mình, làm bạn với sắt thép, cát đá, xi măng,... Ảnh: Một nữ công nhân xây dựng làm việc như các đồng nghiệp nam trên một công trình xây dựng ở quận Phú Nhuận. |
Theo TTVN