|
Tờ New York Times (Mỹ) cho biết chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã quay đầu từ biển Đông và bay lướt qua ít nhất 3 trạm radar quân sự Malaysia ở miền Bắc nước này.
Thậm chí chiếc Boeing 777, được đánh giá là mẫu máy bay hai động cơ lớn nhất thế giới, đã bay ngang qua các thành phố đông đúc dân cư của Malaysia trước khi tiến ra Eo biển Malacca (phía Tây Malaysia) mà không hề bị để ý, theo New York Times.
Trong khi đó, bên trong một phòng điều khiển của Không lực Hoàng gia Malaysia ở bờ Tây, nơi phi đội chiến đấu cơ F-18 và F-5 được cho là luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ với tình huống khẩn cấp, một nhóm 4 nhân viên điều khiển radar phòng không đã chẳng có hành động gì đối với chiếc máy bay mất tích, mặc dù nó có hiện trên màn hình radar, tờ báo Mỹ dẫn một nguồn tin có liên hệ với cuộc điều tra cho hay.
|
“Không quân Malaysia đã ở đâu trong vụ việc này?”, BBC dẫn thắc mắc của ông Andrew Brookes, một cựu phi công Không lực Hoàng gia Anh và là một chuyên gia phân tích hàng không.
“Kể từ sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, phòng không toàn thế giới đã rất cảnh giác với tình huống không tặc cướp máy bay để tấn công các mục tiêu nổi tiếng để tạo tiếng vang. Và hiện có ít mục tiêu nào nổi tiếng hơn tòa tháp đôi Petronas ở trung tâm Kuala Lumpur”, chuyên gia này nhận định.
Cũng theo ông Brookes, lẽ ra ngay khi chiếc MH370 quay đầu vào thời điểm đã ở trên không mà không hề báo cáo, chuông báo động đã phải rung lên trong đầu giới quân đội và chính khách Malaysia.
“Khi vụ việc kỳ lạ này kết thúc, chính phủ Malaysia và lực lượng không quân sẽ có nhiều vấn đề nghiêm trọng cần phải bàn, nhất là về sự yếu kém trong việc giám sát không phận nước mình”, cựu phi công không quân Anh nói.
Ông Sugata Pramanik, người điều hành một trạm kiểm soát không lưu tại Ấn Độ, khẳng định với tờ Telegraph (Anh) rằng một chiếc máy bay bất kỳ “có thể dễ dàng trở nên vô hình đối với radar dân sự bằng cách tắt bộ phát sóng… Nhưng chắc chắn nó không thể tránh được hệ thống radar phòng không”.
Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein, người cũng đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bác bỏ nghi ngờ cho rằng đã có lỗ hổng trong các quy trình hoạt động của không quân Malaysia.
“Đây là một trường hợp vô tiền khoáng hậu. Nó có lẽ sẽ làm thay đổi lịch sử hàng không. Tôi nghĩ đây là bài học cho mọi người”, ông này phát biểu.
Telegraph đánh giá Không lực Hoàng gia Malaysia là lực lượng có tiếng tăm toàn cầu và hiện đang sở hữu một phi đội chiến đấu cơ Sukhoi S30 và F-16.
Lực lượng này thường xuyên luyện tập chung với không quân Anh, Úc, New Zealand và Singapore.
Không quân thế giới làm gì khi phát hiện máy bay lạ? Tại các nước phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu, không phận luôn được kiểm soát 24/24 và trạm kiểm soát không lưu dân sự và quân sự luôn giữ liên lạc chặt chẽ với nhau, theo BBC. Khi radar quân sự phát hiện một máy bay không rõ danh tính, theo quy trình thông thường, họ sẽ gọi cho phía kiểm soát không lưu dân sự để nhờ liên lạc với máy bay lạ. Nếu bộ phận giám sát không lưu dân sự không liên lạc được, phía quân đội sẽ thử liên lạc với máy bay bằng sóng vô tuyến và trong trường hợp máy bay này không hồi âm, chiến đấu cơ sẽ được điều động. |
"Vô tiền khoáng hậu"? Đã từng có những trường hợp các hệ thống radar tiên tiến trên thế giới trở nên bị động trước những tình huống bất ngờ. Vào năm 1987, Mathias Rust, một phi công nghiệp dư người Đức, đã làm bẻ mặt quân đội Liên Xô khi lái một chiếc máy bay hạng nhẹ từ Đức vượt qua hệ thống phòng không dày đặc của Liên Xô mà không bị phát hiện để hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ ở Moscow. Còn trong vụ khủng bố 11/9/2001, khi chiến đấu cơ được điều động để ngăn máy bay bị không tặc, họ đã đi sai hướng, bay ra biển. Đã không có ai vào thời điểm đó nghĩ rằng sẽ có một mối đe dọa trên không xảy ra ngay trong lòng nước Mỹ. |
Theo Thanh Niên