"Tham nhũng như “quốc nạn”, đòi hỏi chúng ta phải có những bước cải thiện toàn diện mới có thể chống được", luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã nói như vậy khi trả lời phóng viên NTNN sau khi chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2013 được công bố.
Thưa luật sư, ông nghĩ sao về việc cứ đụng đến thủ tục là người dân phải "lót tay"?
- Ở đây có nhiều điều đáng phải suy ngẫm. Trước hết chúng ta phải xem lại chính thủ tục của chúng ta hiện nay. Số lượng thủ tục của chúng ta có phải đang quá lớn với sức của người dân không? Có phải chúng đang không công khai, minh bạch hay không? Chúng ta nói nhiều tới việc cải cách thủ tục hành chính thì ở đây chính là cải cách từ bộ máy, con người đến thủ tục.
Nếu thủ tục là cần thiết thì phải có hình thức như thế nào để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, tránh mù mờ để dân không hiểu, phải lót tay mới có thể "trôi". Còn về con người thực thi các thủ tục đó, chúng ta có thường xuyên giám sát họ trong nội bộ với nhau không? Hằng năm, chúng ta vẫn thực hiện việc đánh giá lại cán bộ công chức, song tại sao người dân vẫn phải "lót tay", người dân vẫn phải chịu cảnh bị lạnh nhạt, đối xử không hòa nhã khi thực hiện các thủ tục hành chính?!
Tôi cho rằng đã đến lúc, Việt Nam cần duy trì các công cụ đánh giá độc lập bên cạnh việc đẩy mạnh việc giám sát nhà nước để cho các tổ chức tự đánh giá qua góp ý của người dân để người dân đỡ khổ mỗi khi đụng đến thủ tục.
Doanh nghiệp, người dân muốn mau chóng hoàn thành thủ tục đều phải lót tay (ảnh minh họa).
Kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013 vừa qua cho thấy, ở các thành phố lớn thì tham nhũng vặt càng lớn hoặc các tỉnh nghèo miền núi thì điều này cũng hay xảy ra. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
- Quản trị ở các thành phố lớn có mức độ phức tạp hơn nhiều so với các địa phương vùng nông thôn, miền núi. Hiện chúng ta đang xây dựng cái gọi là "chính quyền đô thị". Mục tiêu là làm sao để tiếng nói của người dân đến được với người đứng đầu thành phố. Kết quả công bố PAPI đang cho thấy, không phải do có mức sống thấp, khó khăn mới có tham nhũng mà ngược lại sung túc, đầy đủ cũng dễ dàng nảy sinh tham nhũng.
Đô thị lớn đòi hỏi sự minh bạch cao hơn, nếu điều này không đạt sẽ nảy nở sinh sôi tham nhũng. Đô thị có thể kiếm tiền tốt hơn thì mức độ "bôi trơn" nhiều hơn, người ta có thể "tặc lưỡi" để bôi trơn cho xong. Việc các tỉnh miền núi có tình trạng tham nhũng vặt xảy ra không kém các đô thị cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố: chỉ số PCI của họ cũng không cao.
Việc chỉ có 38% số người dân cho rằng, chính quyền địa phương nghiêm túc trong việc xử lý các vụ tham nhũng được phát hiện, nói lên điều gì trong công tác chống tham nhũng của ta hiện nay, thưa ông?
- Kết quả này cũng tương tự với kết quả PCI mà VCCI vừa công bố mới đây. PCI đã cho biết, 40% DN phải sử dụng phí "bôi trơn" trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đây lại là việc làm thường xuyên và DN đưa phí này vào trong chi phí kinh doanh của chính mình, coi như "việc phải làm". Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả này song việc xử lý các vụ tham nhũng chưa nghiêm, thậm chí bao che tham nhũng, phải chi tiền mới xong... đã phần nào tác động, làm cho tham nhũng càng lớn. Tham nhũng, vòi vĩnh tiền với người dân, DN cũng được xem như việc làm bình thường.
Cơ chế hành chính "một cửa" được coi là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của ta nhưng người dân vẫn phải thông qua "cò" - khâu trung gian để thực hiện. Ông nghĩ sao về điều này?
- Như tôi đã nói, tham nhũng đã trở thành việc mà người dân, DN coi như "việc phải làm" thì quá đáng báo động. Nó được ví như "giặc nội xâm", "quốc nạn" đòi hỏi chúng ta phải có những bước cải thiện toàn diện mới có thể chống được.
Chúng ta đã ban hành nhiều cơ chế chính sách (kể cả cơ chế một cửa) để cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu, triệt tiêu tham nhũng nhưng hiệu quả thu được lại chưa cao, như cảm nhận của người dân và DN. Tôi cho rằng, chống tham nhũng như chữa ung nhọt, đừng để cho nó nhờn thuốc. Chúng ta phải có một "bài thuốc" toàn diện, ở đây là cả về bộ máy, con người, giám sát, trách nhiệm giải trình... nếu không sẽ là khó khăn để giảm thiểu tham nhũng hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Người dân e ngại tố cáo Theo kết quả công bố PAPI, khi được hỏi về trải nghiệm thực tế với các hành vi tham nhũng ở địa phương, người dân có xu hướng e dè. Theo kết quả khảo sát năm 2013, chỉ có 17 người trong số 336 người bị cán bộ chính quyền hoặc công an cấp xã, phường vòi vĩnh trên phạm vi toàn quốc tố cáo. 48,4% cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì; 8,9% sợ bị trù úm, trả thù; 11,5% cho rằng thủ tục tố cáo quá rườm rà trong khi khoảng 16% không biết tố cáo thế nào. Kết quả PAPI 2013 cho thấy, Quảng Bình là địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung, trong khi Bắc Giang lại thuộc về nhóm địa phương đạt điểm thấp nhất ở cả 6 chỉ số nội dung. |
Theo Dân Việt