Hà Nội rất mâu thuẫn
Thiếu tướng Mai Văn Cương - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), cho biết, trước thông tin đường bị bẻ cong, ông mong muốn gặp cơ quan Thanh tra để nói hết.
Thiếu tướng Mai Văn Cương cho biết, ông đã theo dõi rất kỹ thông tin trả lời của lãnh đạo Văn phòng UBND TP và Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội về dự án mở rộng đường Trường Chinh tại buổi giao ban báo chí Thành ủy.
“Tôi thấy việc giải thích của Hà Nội rất mâu thuẫn. Bởi trong khi dư luận cho rằng, đường Trường Chinh mở rộng bị uốn cong như cái ghi đông của xe đạp mà tại cuộc họp báo họ lại giải thích đường Trường Chinh không có uốn cong như thế mà chỉ cong mềm mại. Nếu thế tại sao chúng ta không xuống thực tế hiện trường để xem nó có cong thực sự hay không?”, Thiếu tướng Cương nói.
Quy hoạch 1/2000 xác định đường Trường Chinh đi thẳng. Ảnh: Tiền phong
Theo Thiếu tướng Cương, đầu năm 2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Quy hoạch-Kiến trúc) và Quân chủng PK-KQ đã có cuộc gặp trao đổi về quy hoạch mở rộng đường Trường Chinh. Thời điểm này, lòng đường Trường Chinh đang có chiều rộng khoảng 10m và theo phương án của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng đưa ra, đường sẽ mở rộng về hai bên, mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5m.
“Nếu như việc mở rộng đường Trường Chinh cứ thực hiện như phương án ban đầu thì chắc chắn sẽ không có khiếu kiện nào của người dân. Vì đường sẽ mở rộng về hai bên, mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5m thì không có chuyện bên thụt bên thò”, Thiếu tướng Cương phân tích.
Từ phương án quy hoạch ban đầu mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5m, Thiếu tướng Mai Văn Cương đã ký văn bản đề nghị Văn phòng Kiến trúc sư trưởng lấy từ mép đường vào 7m. Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng có văn bản số 762 đề nghị lùi thêm 1m, tức chỉ lấy từ mép đường vào phía Bắc 6m.
Theo Thiếu tướng Cương, nếu theo phương án lấy từ mép đường vào 7m hoặc 6m như ý kiến của Quân chủng PK-KQ và Bộ Quốc phòng thì đường Trường Chinh vẫn thẳng.
"Tôi phải ký do sức ép nào đó"
Để xác minh văn bản nào đúng văn bản nào sai cũng không khó. Nhưng trong văn bản tôi ký đề nghị về hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ nêu rõ từ đoạn Hố Mẻ đến hết sông Lừ là từ mép đường cũ lùi vào 7m và là đường thẳng mà giờ sao lại chưa đến sông Lừ đã uốn rồi.
Tôi nói rõ quan điểm mình ký văn bản đề nghị này là sai do sức ép nào đó. Tôi phải ký vì tôi là cấp phó, mà thực chất văn bản chỉ là ý kiến đề nghị của Quân chủng PK-KQ, chứ việc quyết định là phải do TP Hà Nội”, ông Cương nhấn mạnh.
Theo Thiếu tướng Cương, việc quy hoạch đường Trường Chinh là một tuyến đường thẳng đã được thể hiện tại Quyết định số 108 Thủ tướng ký ban hành.
Đây là con đường lịch sử trong hàng thế kỷ nó nối giữa hai cửa ô ngã Tư Vọng và ngã Tư Sở theo một đường thẳng tắp chứ có phải bây giờ nó mới có đâu.
Thiếu tướng Mai Văn Cương. Ảnh: Tiền phong
“Thời điểm Kiến trúc sư trưởng thành phố xuống làm việc với Quân chủng PK-KQ có mở bản đồ ra thì tuyến đường này vẫn thẳng tắp. Giờ chẳng vì cái gì cả mà tại sao lại uốn con đường. Tôi cũng mong được gặp cơ quan Thanh tra Chính phủ hoặc Thanh tra Hà Nội để nói hết. Và nếu Hà Nội không giải quyết được thì đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng để trả lại hiện trường cho tuyến đường Trường Chinh”, Thiếu tướng Mai Văn Cương đề nghị.
Trước lý giải của các sở, ban ngành Hà Nội cho rằng, đoạn cong ở đường Trường Chinh mở rộng (ở phía Bắc bị nghi là để né nhà quan-PV), là do đề nghị, yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Cương cho biết:
“Từ đoạn Hố Mẻ cho đến hết khu vực nhà riêng của một số đồng chí, hiện trạng trước đây hoàn toàn là dãy nhà cấp bốn sau đó phá đi. Tiếp đó là khu chỉ thể hiện hai nhà xây dựng thời Pháp cao hai tầng chứ hoàn toàn không có công trình chiến đấu quân sự nào cả. Ngay cả trong văn bản tôi cũng nói rõ không ảnh hưởng đến công trình nào quan trọng của Bộ Quốc phòng để khiến đường phải đổi hướng”.
Theo NDT