Tiếng ‘ping’ ở Ấn Độ Dương phát ra từ hộp đen máy bay

Thứ năm, 10/04/2014, 09:34
Các chuyên gia Australia và Mỹ xác nhận, xung âm thanh - do một tàu tìm kiếm phi cơ Malaysia mất tích ghi nhận - phát ra từ hộp đen máy bay.

New Straits Times dẫn lời Trung tâm điều phối các hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích cho biết, tín hiệu âm thanh phát hiện ở vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương hoàn toàn không tồn tại trong tự nhiên.

Các chuyên gia tại trung tâm Phân tích âm thanh (AJACC) ở New South Wales và một công ty sản xuất hộp đen của Mỹ xác nhận, tín hiệu âm thanh tần số 33,21 kHz phát ra từ hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay.

mat tich
Đưa tàu lặn không người lái tìm hộp đen máy bay mất tích. Ảnh: Getty

Tín hiệu âm thanh tần số 33,21 kHz, biên độ xung 1,106 giây được tàu chuyên dụng Ocean Shield của Australia ghi nhận hôm 8/4, một tháng sau khi máy bay mất tích. Nó thấp hơn so với tần số tiêu chuẩn là 37,5 kHz. Các chuyên gia giải thích, sự khác biệt này tương đối dễ hiểu bởi sóng âm có thể thay đổi bất thường khi di chuyển dưới nước.

Ông Angus Houston, người đứng đầu Ủy ban phối hợp tìm kiếm phi cơ Malaysia mất tích, cho biết: “Họ (các chuyên gia) tin rằng, tín hiệu trên phù hợp với đặc điểm của hộp đen lưu trữ dữ liệu chuyến bay”. Cùng với thiết bị ghi âm buồng lái, hộp đen là chìa khóa để giải mã những vụ tai nạn hàng không.

Hiện tại, người ta chưa thể khẳng định đây là hộp đen của chiếc Boeing 777 mất tích khi bay từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc đầu giờ sáng ngày 8/3.

Tuy nhiên, ông Houston nhận định: “Những gì chúng ta đang có là một chỉ dẫn tuyệt vời. Tôi lạc quan rằng, chúng ta sẽ tìm thấy máy bay, hoặc những gì còn lại của nó trong tương lai không xa. Tuy nhiên, chúng tôi phải nhìn thấy mảnh vỡ chiếc Boeing 777 trước khi khẳng định chắc chắn đây là nơi phi cơ Malaysia lao xuống”.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích