Tột cùng bi kịch của một đại gia đình ở Long An

Chủ nhật, 04/05/2014, 14:53
Gia đình ông Lê Văn Ban và bà Võ Thị Thanh (ở ấp I, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có 6 thành viên thì đến 4 người mắc chứng tâm thần. Mẹ và em ông đang mang thương tật do lao động quá sức. Đứa con trai lớn đã lập gia đình, con gái ông lại chửa hoang... rất có thể một thế hệ tâm thần nữa lại chào đời!.

Những người “cùng cảnh” cưới nhau

Ông Lê Văn Ban (SN 1957) và bà Võ Thị Thanh (SN 1961) đều thuộc diện người mắc bệnh tâm thần nhẹ. Họ đến với nhau vì đồng cảnh ngộ sau nhiều năm tháng ế duyên, trễ phận.

Sau khi kết hôn, họ dần sinh được 4 người con. Trong đó, chị Lê Thị Thắm (SN 1985) và anh Lê Văn Chấm (SN 1990) đều bị mắc chứng tâm thần. Hai người con còn lại là anh Lê Văn Sơn (SN 1983) và chị Lê Thị Đào (SN 1994) trông cũng giống người bình thường nhưng khả năng nhận thức lại kém.

Suốt 33 năm qua sau ngày kết hôn, ông Ban và bà Thanh sống lay lắt trong nghèo khó. Để có tiền nuôi con, ai kêu gì thì ông bà làm nấy. Nhưng với tình trạng sức khỏe tâm thần nhẹ, sức lao động kém của ông bà, người thuê thường cân nhắc, e dè. Chính vì thế công việc không ổn định, thu nhập của ông bà rất thấp. Chính quyền địa phương xếp gia đình ông vào diện nghèo của xã, và được trợ cấp 135.000 đ/tháng.

Cuộc sống vốn đã nghèo lại càng thêm phần khó khăn khi chẳng may ông Ban mắc phải căn bệnh ung thư gan. Tiền điều trị không có, ông yếu dần và qua đời vào ngày 15/9/2013. Dẫu kẻ ở lại là những con người ngờ nghệch, nhưng họ vẫn ý thức được nỗi đau mất chồng mất cha. Sau những giọt nước mắt tiễn đưa, 5 thành viên còn lại tiếp tục đối mặt với cảnh túng quẫn trong căn nhà rách nát buồn hiu hắt.

bi kich

Chị Thắm, bà Thanh, anh Chấm

bi kich

"Góc bếp nhà nghèo" của gia đình bà Thanh.

Bữa cơm chỉ có rau và nước mắm

Không có trụ cột đỡ đần, thu nhập hằng tháng đã thấp nay còn thấp hơn. Bữa cơm của gia đình chỉ có rau và nước mắm. Hằng ngày anh Chấm hái rau mọc dại ở ngoài đồng để về làm thức ăn. Anh không nói được, dẫu nghe được nhưng không có khả năng thấu hiểu, công việc hái rau cũng là thử thách lớn với anh.

Đôi khi hàng xóm phải ghé lại chỗ anh dòm ngó, phòng khi anh hái phải loại rau không ăn được. Ngay cả việc tắm rửa anh cũng cần sự giúp đỡ của mẹ. Đôi khi anh lên cơn thì la hét, cười nói không tự chủ được bản thân mình.

khuyet tat

Đến sinh hoạt tối thiểu như tắm rửa, anh Chấm cũng cần đến bà Thanh chăm giúp.

Chị Thắm biết nói biết nghe, có lúc cũng nấu được nồi cơm phụ mẹ. Nhưng thi thoảng chị lại lên cơn bỏ nhà đi mất, những lúc như vậy mọi người phải dáo dác tỏa đi khắp nơi để tìm chị về.

Bà Thanh vụng về nói:"Ai thuê gì tôi làm nấy, mà cũng có ít chuyện để làm. Ăn uống có ai cho thịt cá thì ăn, không thì ăn rau, nước mắm. Mà đâu ai cho mình hoài".

khuyet tat

Vẻ mặt ngờ nghệch của chị Thắm.

khuyet tat

Anh Chấm đói bụng nên vào bếp tìm cơm ăn. Có cơm để ăn đã là hạnh phúc lớn lao của gia đình.

Con trai lấy vợ, con gái mang bầu thế hệ tiếp nối sẽ ra sao?

Anh Sơn là con trai trưởng trong nhà. Gần đây anh đã lấy được vợ khi ở tuổi 30. Nhưng vợ anh cũng là người có tiền sử bệnh tâm thần nhẹ. Hai vợ chồng sống lay lắt bằng nghề đặt lợp bắt tôm, cá con thuyền nhỏ lênh đênh trên sông nước.

Cách đây vài tháng vợ anh lên cơn tâm thần, giận dỗi chồng rồi đã nhảy từ trên cao xuống ống cống. Cũng may chị chỉ bị chấn thương phần mềm. Thấy hoàn cảnh và tính khí hai người như vậy, một người hàng xóm thở dài: “Nếu hai đứa lại sinh con, thì tương lai con cái sẽ rất mờ mịt, nếu không mắc bệnh tâm thần, thì cũng sống trong nghèo khó”.

Chị Đào sinh năm 1994 là đứa con út trong nhà. Chị là người có tinh thần tỉnh táo nhất. Vì sống trong hoàn cảnh gia đình như hiện tại, quá u buồn, mệt mỏi, chị luôn ước ao có thể để thoát ra thảm cảnh này.

Cách đây vài tháng, chị bấm bụng bỏ đi cùng người con trai xa lạ mong thay đổi cuộc đời. Nào ngờ gã trai đó là tên lừa gạt, chị lại quay về nhà với một bào thai đã thành hình. Chiều chiều chị lại đứng nơi sân nhà nhìn ra lộ, con đường trước mắt chị mờ mịt. Chị quay trở vào, lại đối mặt cùng mái nhà dột nát, u buồn.

khuyet tat

Chị Đào với tương lai mờ mịt. Một thế hệ nữa ra đời. Liệu em bé sẽ ra sao.

Bà nội cạnh bên nhưng cũng già yếu

Chỉ cách mái nhà kia vài bước chân, là ngôi nhà của Hà Thị Hữu (82 tuổi). Bà Hữu là mẹ ruột của ông Ban và là bà nội của 4 người cháu tâm thần kia. Hai năm trước vì tuổi già chân run, bà bị té ngã, gãy xương chậu phải nằm liệt một chỗ.

khuyet tat

Bà Hữu chỉ có thể khóc móm mém, không biết dùng câu từ nào để nói về con cháu mình.

Chăm sóc bà hằng ngày là ông Lê Văn Mười (sinh năm 1973) - em ruột ông Ban. Nhưng khổ thay ông Mười do lao động quá sức khi còn trẻ nên giờ bị cụp xương sống, lưng cong gù. Mỗi ngày ông chăm sóc bà Hữu từ việc vệ sinh cá nhân đến đút từng muỗng cơm miếng nước.

khuyet tat

Ông Mười với tấm lưng cong vì gãy cột sống.

Ông Mười tâm sự: ''Má tôi thì bệnh tật, anh em ai cũng nghèo, con cháu lại bị tâm thần. Không biết kiếp sống này sẽ kéo dài đến bao giờ đây?''.

Ông thở dài nói tiếp: “Cũng là một kiếp người, mà sao chúng tôi lại khổ đến thế này?!”.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn