Tiền lương thấp, lại thiếu các chế độ đãi ngộ cũng là nguyên nhân của các cuộc đình công trên cả nước thời gian qua. Tuy nhiên, nhờ sự hoạt động sáng tạo của tổ chức công đoàn cơ sở, không ít những doanh nghiệp đã tạo được mối quan hệ hài hòa, gắn kết giữa giới chủ và công nhân thông qua đối thoại thường xuyên.
Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) Phan Thanh Chung chia sẻ, dù đời sống của một số công nhân vẫn còn không ít khó khăn, nhưng chính sự động viên kịp thời của công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp đã tạo được niềm tin với công nhân, cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vượt qua thời gian khủng hoảng.
Thay vì né tránh là thực hiện đối thoại thẳng thắn với công nhân để cùng tìm ra giải pháp là lựa chọn của Công ty Canon Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long – Hà Nội) kể từ sau cuộc đình công của công nhân kiến nghị tăng lương, giảm giờ làm năm 2012.
Người lao động vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Đức Thanh
“Sau vụ đình công đó, Công đoàn đã yêu cầu Ban giám đốc Công ty phải nắm bắt nhiều hơn đời sống của người lao động nhằm tháo gỡ những bất đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống của công nhân thông qua việc thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa ban giám đốc và đại diện người lao động”, bà Phạm Thị Vân Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết.
Cách làm này đã góp phần tháo gỡ bất đồng giữa người sử dụng lao động và công nhân, tất cả các thỏa thuận được thống nhất đưa vào thỏa ước lao động tập thể.
Duy trì đối thoại cũng là phương pháp được Công ty TNHH FOSTER (KCN VSIP - Bắc Ninh) đang áp dụng thành công. “Mọi bức xúc của công nhân đều được công đoàn và Ban giám đốc tiếp nhận, giải quyết kịp thời, nên quan hệ lao động trong doanh nghiệp luôn ổn định”, ông Dương Hữu Hà, Chủ tịch công đoàn Công ty chia sẻ.
Tuy không liên tục như FOSTER, nhưng Công ty Điện Stanley Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội) cũng định kỳ 6 tháng/lần tổ chức đối thoại với người lao động, để lắng nghe và giải đáp những kiến nghị của công nhân…
Tại các cuộc đối thoại, hầu hết những kiến nghị hợp lý của công nhân đều được ban giám đốc giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, khoảng cách giữa ban giám đốc và công nhân thực tế đã được rút ngắn lại.
Theo ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, nắm bắt thực tiễn khó khăn của người lao động, Liên đoàn đã kiến nghị Thành ủy chỉ đạo các cấp ngành giải quyết, từng bước tháo gỡ những bức xúc của người lao động tại các KCN; chú trọng phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật lao động.
Cùng với đó, Liên đoàn chỉ đạo hoạt động 45 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, 11 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở các địa bàn đông công nhân, các KCN-KCX “Đây là mô hình chúng tôi đã tiến hành học hỏi từ các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Tuy mới được triển khai, nhưng đã thu hút rất đông công nhân, người lao động đến sinh hoạt vui chơi, giải trí”, ông Thực khẳng định.
Liên đoàn cũng đề nghị TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở, các sở, ngành đầu tư xây dựng thêm các công trình nhà ở, phúc lợi công cộng, nhà văn hóa công nhân, trạm y tế, hạ tầng cơ sở phục vụ đời sống công nhân lao động.
“Chúng tôi đã đề xuất thành phố xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ công nhân học tập nâng cao trình độ, tay nghề, có chính sách ưu tiên đãi ngộ công nhân giỏi, công nhân lành nghề, có tay nghề bậc cao. Qua đó, hỗ trợ tốt hơn đời sống công nhân, tạo động lực làm việc, tăng năng suất lao động”, ông Thực cho biết thêm.
Theo Baodautu