Báo nước ngoài: Trung Quốc lộ tử huyệt trước Hải quân Việt Nam

Thứ hai, 05/05/2014, 16:17
Sau khi Trung Quốc thành lập căn cứ Hải quân tại đảo Hải Nam, trang Kanwa tại Canada đã nhận định: “Việt Nam nắm được tử huyệt của hải quân Trung Quốc”.

Ngày 25/4, mạng "Kanwa Defense Review" Canada có bài viết cho rằng, Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN/SSN) ở đảo Hải Nam có điểm yếu chí tử.

Theo bài báo, năm 2014, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận hai tàu ngầm lớp Kilo 636MV, toàn bộ 5 tàu ngầm lớp này đủ để phong tỏa căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam khi xảy ra chiến tranh.

Căn cứ của Hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam

Căn cứ của Hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam.

Không chỉ có vậy, căn cứ tàu sân bay mới cách bờ biển Việt Nam không đến 272km, tên lửa đất đối hạm Bastion (tầm bắn 300km, triển khai cơ động) nhập khẩu mới nhất của Hải quân Việt Nam đủ tầm bay tới tàu sân bay Trung Quốc tại quân cảng này.

Hơn nữa, chiến đấu cơ Su-22, Su-30MKV/MK2 của Không quân Việt Nam đều có thể kiểm soát căn cứ tàu sân bay, căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, “quân đội Việt Nam bắt đầu trang bị tàu ngầm cỡ nhỏ tự sản xuất”, đây cũng là một tiến bộ lớn. Quân đội Việt Nam còn sở hữu lượng nhỏ tên lửa đạn đạo Scud-C.

Tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam

Tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam.

Theo bài báo, trong điều kiện tình hình quốc tế hiện nay như vậy, việc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay khổng lồ ở đảo Hải Nam thực chất đã trở thành "con tin" của Việt Nam, trong vấn đề xử lý quan hệ với Việt Nam trong tương lai, Trung Quốc buộc phải tương đối thận trọng.

Đặc biệt là ở trên biển, đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho Trung Quốc đến nay vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc lập ra Khu nhận diện phòng không trên Biển Đông.

Bài báo cuối cùng cho rằng, căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của một quốc gia xây dựng trong phạm vi tấn công trực tiếp của vũ khí công nghệ cao của "kẻ thù tiềm tàng" (có lịch sử chiến tranh lãnh thổ) là một điều khó tưởng tượng nổi.

Thông tin về việc Trung Quốc thành lập căn cứ Hải quân tại đảo Hải Nam được báo chí Trung Quốc đăng tải hồi đầu năm 2014. Theo một bức ảnh được tiết lộ cho thấy, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai ba tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo Type 094 - lớp Jin tới căn cứ hải quân mới tại vịnh Yalong, thuộc đảo Hải Nam.

Các bức ảnh vệ tinh trên trang web của quân đội Trung Quốc chụp trong dịp Tết âm lịch cho thấy, ba chiếc tàu ngầm Type 094 lớp Jin xuất hiện thường xuyên trong vùng nước gần vịnh Yalong càng góp phần làm gia tăng tin đồn.

Ông Cao Weidong, đến từ Viện nghiên cứu khoa học quân sự hải quân PLA khẳng định với kênh CCTV rằng, lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc không nên bị các lực lượng đối lập coi là lực lượng chỉ nằm gần bờ.

Ông Cao tuyên bố tàu ngầm Type 094 hầu như chắc chắn đã bí mật thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tại các vùng biển mở.

Với tầm bắn 14.000km, hải quân Mỹ tin rằng các tàu ngầm trang bị tên lửa liên lục địa Giao Long 2 này có khả năng vươn tới bờ biển phía Tây của Mỹ.

Từ góc độ của nhiều chuyên gia quân sự phương Tây, tàu ngầm Type 094 lớp Jin và tên lửa Giao Long 2 đã lần đầu tiên giúp Trung Quốc có được năng lực răn đe hạt nhân tin cậy trên biển, khiến hải quân PLA có thể đáp trả trong trường hợp bị các cường quốc hạt nhân tấn công.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn