Trung Quốc (TQ) không những không rút giàn khoan mà còn tiếp tục di chuyển đặt ở vị trí mới (vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam), đồng thời vẫn duy trì một lực lượng rất lớn các tàu bảo vệ giàn khoan (có cả tàu quân sự) trái phép này. Tàu của TQ ngày càng bạo ngược, sẵn sàng đâm trực diện các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam và tấn công cả tàu cá ngư dân. Tất cả điều đó đã bộc lộ âm mưu gì của TQ?
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn đầu tuần với nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc để nhận thấy rõ “cách chơi bài ngửa” của TQ trong việc ngày càng bạo ngược ở khu vực giàn khoan trái phép và cả trên mặt trận truyền thông.
TQ đang cố tình tạo ra bằng chứng chủ quyền?
Thưa ông, rất nhiều ý kiến cho rằng khả năng có dầu ở khu vực TQ đang đặt giàn khoan trái phép là rất thấp và việc TQ tiếp tục di chuyển giàn khoan tới vị trí khác không phải là để thăm dò dầu khí gì cả?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Theo tôi biết, mỗi lần khoan thăm dò như thế là tốn rất nhiều tiền, hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đôla. Và khả năng rất lớn là không có dầu ở khu vực TQ đã và đang đặt giàn khoan. Vì thế việc TQ kéo lê cái giàn khoan Hải Dương-981 ở khu vực biển Hoàng Sa của Việt Nam là nằm trong một nước cờ thâm hiểm hơn.
Theo ông, nước cờ thâm hiểm đó là gì?
Những diễn biến suốt hơn tháng qua cho thấy mục đích của TQ trong sự vụ này không phải là dầu mà TQ đang cố bày ra cho thế giới thấy rằng họ đang thực thi chủ quyền trên cái mà họ tự cho là lãnh thổ của mình ở vùng biển Hoàng Sa và hợp thức hóa cho cái lưỡi bò phi pháp họ áp đặt trên Biển Đông (trong khi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý để khẳng định khu vực này là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Họ đã dàn binh bố trận để chứng minh cho thế giới thấy mình đang có hoạt động kinh tế và đủ lực lượng để bảo vệ hoạt động ấy. TQ cho rằng đây sẽ là bằng chứng rất có lợi cho họ sau này. Vì thế, ta hết sức cảnh giác mưu đồ đầy thâm độc này của TQ.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: “TQ đang cố ngụy tạo bằng chứng cho cái mà họ gọi là thực thi chủ quyền của họ ở vùng biển vốn đã đương nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Ảnh: PN |
TQ đang diễn tuồng có lớp lang
Tức là TQ đang cố tạo ra một hình ảnh là chính họ mới là kẻ thực thi chủ quyền, còn ta đang quấy rối như luận điệu của các quan chức ngoại giao TQ phát ngôn trong thời gian gần đây?
Đúng, một mặt trên thực địa TQ cho tàu của họ giăng tầng tầng lớp lớp để cản đường và chẳng ngần ngại gì khi tiến hành đâm húc tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển chủ quyền của mình. Điều ấy để làm gì? Chẳng phải là để chứng tỏ cái mà họ gọi là thực thi chủ quyền của họ sao? Mặt khác, họ cố ngụy tạo những bằng chứng cho thấy Việt Nam đang gây hấn và họ đóng vai là kẻ “bị hại”. Chúng ta thấy rồi đấy, TQ đang diễn tuồng hết sức có lớp lang.
Phải chăng thời gian gần đây, các phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ ra mặt thừa nhận luôn là tàu cá của họ có đâm chìm tàu cá của ngư dân ta, tàu của họ có đâm húc vào tàu Cảnh sát biển của ta chính là muốn “chơi bài ngửa” để chứng tỏ mình đang có chủ quyền ở khu vực này?
Thật như vậy. TQ đang sẵn sàng “chơi bài ngửa” với Việt Nam, không phải giấu giếm nữa. Mọi chuyện đến nước này thì đã quá rõ ràng. TQ đang muốn khẳng định cho cái gọi là thực thi chủ quyền trên Biển Đông theo đường lưỡi bò của họ công bố và lấp liếm cho cái gọi là chủ quyền của họ ở Hoàng Sa mà họ đã cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép của Việt Nam hơn 40 năm qua. Đây không phải là tham vọng mới gì cả, đây là nguyên tắc bất di bất dịch đã được các nhà lãnh đạo TQ đưa ra những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là “chủ quyền thuộc ngã”, “gác tranh chấp cùng khai thác” và “biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp”.
Thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ ngư dân
Trước cách “chơi bài ngửa” này, ông nói Việt Nam cần hết sức cảnh giác. vậy chúng ta cần phải cảnh giác cái gì?
Tôi nghĩ chúng ta phải luôn thống nhất quan điểm xuyên suốt rằng đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và không có tranh chấp gì ở đây cả. TQ đang có hành vi đầy ngạo ngược, cố tình xâm phạm chủ quyền của ta một cách trắng trợn, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc 1982. Vì thế chúng ta đấu tranh là để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc chứ không có tranh chấp trong vụ này. Việt Nam cần duy trì một cách liên tục lực lượng thực thi pháp luật trên biển để bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình theo đường lối hòa bình nhưng phải hết sức kiên quyết, ở tư thế người làm chủ.
Mặt khác, hiện nay ngư dân ta đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống là vùng biển Hoàng Sa, đây là hoạt động sản xuất kinh tế rất quan trọng để khẳng định chủ quyền xuyên suốt của Việt Nam trên vùng biển của mình, vì thế các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam cần phải có phương án bảo vệ ngư dân một cách hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản của bà con.
Từ những diễn biến trên biển cũng như trên các diễn đàn ngoại giao cho thấy TQ đang bộc lộ những điểm yếu nào, thưa ông?
Nói về đường lưỡi bò phi pháp, TQ đang rất đuối lý. Cách trả lời của các quan chức TQ tham dự tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa rồi đã chứng minh rất rõ điều này. Phương cách ngoại giao của họ cũng đang bộc lộ sự hung hăng của một nước lớn và tự thân nó bộc lộ cái mà TQ đang cố giấu đi, đó chính là sự bạo ngược và phi pháp. Điều này trên thực địa TQ càng thể hiện rõ ràng hơn khi họ mang nhiều tàu quân sự vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam để bảo vệ giàn khoan trái phép.
Việc các tàu chấp pháp của TQ tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, tấn công tàu cá ngư dân Việt một cách thô bạo cũng như những tàu cá của họ đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt là những hành vi hết sức vô nhân đạo, trái ngược với các nguyên tắc hành xử quốc tế. Chính điều đó sẽ là bằng chứng tố họ trước dư luận quốc tế và bộc lộ rõ sự phi nghĩa, phi pháp, vô nhân đạo của họ ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông.
Theo Pháp luật TP.HCM