Chăm trẻ bằng cách cột tứ chi!

Thứ hai, 09/06/2014, 14:27
Chủ mái ấm cho rằng cột tay chân để các cháu khỏi phá phách, xé quần áo… nhưng ai nhìn vào cũng thấy xót xa.

Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được phản ánh của những người trong đoàn làm từ thiện ở TP.HCM: nhiều cháu bé bị mắc hội chứng Down, bại não tại Cơ sở Bảo trợ xã hội mái ấm Phan Sinh (ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị cột chặt cả chân tay, phải nằm bất động trên giường. Các em có ngứa ngáy muốn gãi cũng đành chịu. Những sợi dây này chỉ được cởi ra khi đến giờ tắm rửa và buổi tối khi ngủ. Điều này khiến cho nhiều người nghi ngờ về cách chăm sóc với những đứa trẻ vốn đã bị thiệt thòi về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Làm sao chịu nổi

Sau khi nhận được thông tin, phóng viên đi cùng một đoàn từ thiện đến mái ấm Phan Sinh để tìm hiểu thực hư. Vào đến nơi, một người trong đoàn đưa bánh kẹo thì hai bé trai mừng rỡ và muốn chạy lại nhưng sợi dây dù đã giữ lại, đứa trẻ cứ nhào về phía trước giật chiếc dây phình phịch. Tất cả những người chứng kiến đều như lặng lòng vì hình ảnh đáng thương.

Một bé trai bị cột tứ chi trong cũi. Ảnh: Văn Ngọc

Một trường hợp khác, thấy tội nghiệp cháu, một người trong đoàn đã vội tháo ba sợi dây cột ra, để lại một chân phải. Khi vừa được tháo dây, cháu vội thọc mạnh tay vào quần, áo gãi như không biết chán.

Những đứa trẻ tại cơ sở đều bị bệnh thần kinh, bị bại liệt, bệnh não nên được dùng bỉm. Khi các em được thả tay để gãi thì những chiếc bỉm bung ra đã ướt đẫm nước tiểu và phần mông bị lở loét đỏ ửng, rướm máu. “Trời ơi, các cháu bị cột chặt cả hết chân tay không động đậy để gãi được cứ nằm ngứa thế này suốt hàng chục giờ đồng hồ thì làm sao mà chịu nổi…” - một người đến thăm xót xa.

Cũng vì tốt cho các cháu?

Đi một vòng trong mái ấm, có khoảng hơn 30 cháu nhỏ, trong đó có một số cháu bị liệt nằm một chỗ là không bị cột. Còn hầu hết cháu bị cột tay hoặc chân và không ít cháu bị cột khóa chặt cả tứ chi.

Thấy nhiều người thắc mắc, một phụ nữ chăm sóc của cơ sở cho biết: “Cơ sở quá đông các cháu, lại ít người chăm sóc, trông coi nên chúng tôi đành phải cột vào như vậy để các cháu không quấy phá hoặc lúc lên cơn động kinh không té xuống đất”. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì sau nhiều giờ đồng hồ được tháo dây cột những em nhỏ không có biểu hiện lên cơn co giật hay quậy phá mà chỉ ngồi chơi thẫn thờ.

Ông Chu Văn Nhâm, người quản lý Cơ sở Bảo trợ xã hội mái ấm Phan Sinh, cho biết hiện nay trong mái ấm có tới hơn 60 người, chủ yếu là trẻ em bị bệnh và người già nhưng chỉ có bốn người chăm sóc, trông coi. Mỗi ngày cơ sở làm vệ sinh cho các cháu hai lần. Sợ các cháu đi lại lung tung, xé quần áo... nên cơ sở đành phải buộc các cháu lại. Những đứa trẻ bị buộc một tay hoặc một chân là bị bệnh nhẹ, còn những đứa trẻ bị buộc cả tứ chi là bệnh nặng. Buổi tối trước khi đi ngủ cho các cháu uống thuốc thì chỉ buộc một chân hoặc một tay để khỏi đi lại lung tung.

“Nhiều người trong đoàn từ thiện đến đây cũng thắc mắc về việc buộc chân, tay một số cháu. Thực sự chúng tôi buộc các cháu như vậy cũng thấy khổ tâm lắm nhưng bây giờ chỉ còn cách đấy thôi. Chúng tôi làm tất cả cũng vì tốt cho các cháu...” - ông Nhâm chia sẻ.

Phải đảm bảo điều kiện, cuộc sống tốt nhất

Cơ sở mái ấm Phan Sinh lập được 16 năm. Ông Nhâm cũng tích cực làm từ thiện. Qua những lần kiểm tra, Phòng LĐ-TB&XH nhận thấy việc chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ, người già và một số người bị cơ nhỡ đều đảm bảo theo quy định. Hiện tại Cơ sở mái ấm Phan Sinh đang quá đông lại ít thiếu người chăm sóc.

Còn việc một số đứa trẻ bị bại não, Down bị đeo đai hoặc buộc một chân, một tay thì có. Tuy nhiên, giờ tôi mới biết có những đứa trẻ bị buộc cả hai chân, hai tay vào các góc giường (thông tin do báo cung cấp).

Việc buộc cả hai chân hai tay vào bốn góc giường như vậy sẽ khiến các cháu khó chịu. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải tìm hiểu việc những người chăm sóc buộc như vậy với mục đích gì. Nếu như vì ít người, không thể trông coi, chăm sóc được những đứa trẻ này thì chúng tôi sẽ bàn bạc với chủ cơ sở để có biện pháp khắc phục tình trạng này, làm sao những đứa trẻ ở đây có được điều kiện, cuộc sống tốt nhất.

Ông Nguyễn Đình, cán bộ phụ trách về thương binh và xã hội của Phòng LĐ-TB&XH huyện Trảng Bom

Theo Pháp luật TP.HCM

Các tin cũ hơn