"Đuổi" nhà đầu tư không tiền khỏi dự án BOT
Khi kiểm tra dự án đèo Phú Gia – Phước Tượng ngày 25/7, trước tình trạng công trường lèo tèo máy móc, chủ đầu tư BOT không có tiền để giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao hẹn 1 tuần nếu không thể hiện được năng lực tài chính, Bộ sẽ thay thế chủ đầu tư khác.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao thời hạn 31/7/2014 mà nhà đầu tư không có tiền thì
sẽ bị thay thế (ảnh: Báo Giao thông vận tải).
Thực tế là 17 tỷ đồng giải phóng mặt bằng nhiều tháng nay chủ đầu tư vẫn chậm chuyển cho địa phương. Trước đó, ngày 10/7, Bộ trưởng Thăng đã đến kiểm tra, Phạm Công Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phước Tượng – Phú Gia đã hứa sẽ chuyển trước cho địa phương 5 tỷ đồng nhưng mới chuyển được 2 tỷ đồng.
“Chuyển thế thì chỉ đối phó chứ làm gì được. Nhà đầu tư gì mà chỉ 17 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng cả năm nay chưa có”, Bộ trưởng nói.
Lúc ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, báo cáo chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng nên địa phương chưa phê duyệt phương án đền bù, còn ông Hưng thì lại nói chờ huyện duyệt phương án đền bù thì mới chuyển tiền. Tư lệnh nghành giao thông liền hỏi chủ đầu tư có tiền không? Ông Hưng toát mồ hôi, trả lời ậm ờ.
Tại công trường, nhà thầu huy động một máy thi công để khoan cửa hầm nhưng rất ì ạch. “Khởi công hơn cả năm rồi mà công trường lèo tèo thế này là sao? Chủ đầu tư đã có hợp đồng vay tiền chưa?”, Bộ trưởng truy vấn. Ông Phạm Công Hưng nói là đã có hợp đồng, nhưng loay hoay tìm mãi không thấy đâu.
Bộ trưởng GTVT nói: “Đúng 31/7/2014 mà chưa có hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng và điều kiện giải ngân cho dự án, cùng với đó là cam kết vốn chủ sở hữu thì sẽ "đuổi" nhà đầu tư khỏi dự án để gọi nhà đầu tư khác”, Bộ trưởng khẳng định.
Máy móc lèo tèo thì làm ăn gì
Sáng 24/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đi kiểm tra dự án mở rộng QL1 từ Bình Thuận đến Bình Định. Tại tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng rất bức xúc khi thấy trên công trường không khí thi công rất cầm chừng. Vào lúc 9h sáng nhưng chỉ một một số đoạn do Tổng công ty 319, Tuấn Lộc đang thi công còn lại máy móc thiết bị đều "án binh bất động".
Bộ trưởng Thăng bức xúc: “Thời tiết tốt thế này mà không thi công thì chờ đến bao giờ? Cả công trường dài mấy trăm cây số mà chỉ có vài máy móc lèo tèo thì làm ăn gì”.
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các Ban quản lý dự án phải giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình thi công của các nhà thầu. Mỗi tuần, mỗi tháng đều phải họp để kiểm điểm và lập tiến độ hàng ngày. Tư vấn giám sát phải bám công trường để kiểm soát chặt chất lượng của các công trình.
Cuộc gọi 2 phút tiết kiệm 20 tỷ đồng
Chiều 23/7, trong chuyến thị sát các công trường cầu đường phía Nam, tại Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Đồng Nai chiều 23/7, khi nghe nhà thầu thi công cầu vượt Đồng Nai báo cáo đã “cầu cứu” cơ quan đường sắt giải tỏa hạ tầng giúp dự án vượt tiến độ nhằm tiết kiệm 20 tỷ đồng nhưng không có kết quả, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lập tức gỡ khó cho các đơn vị thực hiện dự án ngay tại chỗ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng điện thoại chỉ đạo giải tỏa hạ tầng đường sắt phục vụ thi
công cầu vượt Đồng Nai (ảnh: Báo Dân Trí).
Chỉ bằng cuộc điện thoại kéo dài khoảng 2 phút với ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu ông Thành phải lập tức giải quyết vấn đề mặt bằng để phục vụ thi công và làm rõ tại sao cơ quan quản lý đường sắt khu vực phía Nam không hợp tác, xử lý “tội” gây gián đoạn thi công xây dựng cầu vượt Đồng Nai.
Ngay buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo về việc đã chỉ đạo “hỏa tốc” và hạ tầng đường sắt bị “vướng” tại khu vực thi công cầu vượt Đồng Nai được giải tỏa .
Xắn quần, lội bùn kiểm tra cầu
Ngày 22/7, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn đầu đã kiểm tra một số công trình, dự án giao thông trên địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng đoàn công tác đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Năm Căn (thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh) thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau.
Bộ trưởng Đinh La Thăng xắn quần, lội bùn kiểm tra cầu Năm Căn (ảnh: Báo Giao thông vận tải).
Cầu Năm Căn là cây cầu cuối cùng trên tuyến QL1 - con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam, sẽ giúp giấc mơ không còn cảnh "đò giang cách trở" của người dân Đồng bằng sông Cửu Long và người dân cả nước thành hiện thực.
Do đường dẫn đến dự án cầu Năm Căn chưa hoàn thành nên cả đoàn công tác đã phân đi cano ra chân cầu. Bộ trưởng Thăng đã không ngần ngại xắn quần, lội qua quãng đường lầy lội, trơn trượt.
Tại đây, Bộ trưởng chỉ đạo Ban quản lý dự án yêu cầu các nhà thầu phải thi công khẩn trương các gói đường hai đầu cầu để tránh tình trạng cầu xây xong nhưng không sử dụng được vì không có đường vào.
Khi phát hiện cầu Năm Căn sử dụng “răng lược khe co giãn” của Trung Quốc trong khi mặt hàng này các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được với chất lượng tốt, giá thành lại rẻ hơn, Bộ trưởng cũng phê bình luôn Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công.
Theo Người Đưa Tin