Hệ thống camera do cơ quan công an quản lý phục vụ an ninh trật tự - Ảnh: Công Nguyên |
Dự kiến ngày 30/4/2015, dự án sẽ được đưa vào hoạt động với hàng trăm camera độ phân giải cao tại hầu hết các tuyến đường ở trung tâm Q.1 như: Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo... Nguồn kinh phí lắp đặt hệ thống camera an ninh bước đầu ước tính khoảng 270 tỷ đồng, được trích từ nguồn trung ương thưởng do quận thu ngân sách năm 2013 vượt chỉ tiêu đề ra.
Hệ thống camera thông minh
Hàng trăm camera sẽ truyền hình ảnh về trung tâm chỉ huy hình ảnh của Công an Q.1 để phân loại xử lý. Hệ thống camera thông minh sẽ thực hiện theo lệnh cài đặt của người điều khiển. Cụ thể, chúng tự động phát hiện xe vi phạm giao thông (dừng, đậu đỗ không đúng quy định), nghi phạm gây án xâm hại tài sản nơi công cộng (trộm, cướp giật tài sản)... Thậm chí, camera của các đơn vị cá nhân kinh doanh tài chính như ngân hàng, tiệm vàng, điểm mua bán ngoại tệ cũng sẽ được kết nối với trung tâm chỉ huy hình ảnh.
|
“Khi được cài đặt lệnh, hệ thống camera hoạt động phát hiện ôtô dừng, đậu đỗ quá 5 phút sẽ báo về sở chỉ huy trung tâm để xử lý hoặc tuyến đường nào cấm dừng, đậu đỗ nếu phương tiện vi phạm thì camera cũng sẽ báo. Lập tức, trung tâm chỉ huy sẽ thông báo cho lực lượng tuần tra trên đường, lực lượng chức năng của phường đến nhắc nhở hoặc xử lý. Thậm chí, camera có khả năng soi phương tiện của các tên cướp giật bị truy đuổi trên đường phố và thông báo cho lực lượng tuần tra trên đường chặn bắt”, một lãnh đạo của UBND Q.1 tiết lộ.
Ngoài ra, hệ thống camera thông minh này còn có chức năng tự động điều tiết giao thông thông qua hệ thống đèn tín hiệu giao thông lắp đặt tại các giao lộ. Các camera có thể ghi nhận được lưu lượng phương tiện lưu thông trên suốt tuyến đường, khu vực. Từ đó, hệ thống tự điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu tại các giao lộ cho phù hợp để đảm bảo phương tiện lưu thông thông suốt, không bị ùn ứ, ách tắc. Sau khi dự án này đi vào hoạt động, chính quyền Q.1 sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện một số dự án “siêu” thông minh khác nhằm phục vụ công tác quản lý giao thông.
Cụ thể, Q.1 sẽ lắp đặt hệ thống điện tử dưới vạch sơn trên đường tại giao lộ, gắn camera. Khi dừng chờ đèn xanh, nếu phương tiện nào vi phạm vượt đèn đỏ, hệ thống tự động sẽ báo và camera ghi hình để phục vụ công tác xử lý sau này.
Camera di động
Ngoài hàng loạt camera được lắp đặt cố định, dự án còn triển khai tổ chức lắp đặt camera công khai trên các ôtô, môtô chuyên dùng tuần tra kiểm soát trên đường của cảnh sát giao thông (CSGT), cảnh sát cơ động (CSCĐ), công an, trật tự đô thị... của quận, phường.
Theo lộ trình của dự án, đến nay, ôtô chuyên dùng của nhiều UBND phường, công an phường của Q.1 đã được lắp đặt camera hành trình trong suốt quá trình tuần tra, xử lý vi phạm. Sắp tới, các xe môtô chuyên dùng của CSGT, CSCĐ của Công an Q.1 cũng sẽ được lắp đặt camera công khai với chức năng tương tự.
Đặc biệt, theo quy định trong quá trình làm việc, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm, các cán bộ chiến sĩ CSGT, CSCĐ... phải đứng trong phạm vi hoạt động của camera nhằm tránh xảy ra tiêu cực.
Tuy nhiên, theo một cán bộ của Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM, quy định của ngành công an không bắt buộc CSGT khi lập biên bản phải đứng trước đầu xe mà đứng ở đâu đó thuận lợi đảm bảo cho công tác kiểm tra xử lý xe vi phạm. “Mục đích của việc lắp đặt camera công khai trên là để làm cơ sở pháp lý xử lý vi phạm hành chính, xử lý người chống người thi hành công vụ, tác phong quy trình của lực lượng chức năng và tránh tiêu cực.
“Tại các cuộc họp, lãnh đạo Công an TP.HCM đã nhất trí chỉ đạo lực lượng CSGT, CSCĐ... thực hiện đúng theo tiêu chí của dự án là trong suốt quá trình lập biên bản xử lý vi phạm, cán bộ chiến sĩ CSGT, CSCĐ phải đứng trong phạm vi hoạt động của camera”, Phó chủ tịch UBND Q.1 Lê Trương Hải Hiếu khẳng định.
Ông Hiếu cho biết thêm, khi dự án này đưa vào hoạt động, UBND Q.1 sẽ tiếp tục đề nghị Công an TP.HCM cho tiến hành lắp đặt camera công khai cho lực lượng CSGT của Đội CSGT Bến Thành thuộc PC67. Đội CSGT Bến Thành quản lý nhiều tuyến đường lớn trên địa bàn Q.1 nên cần phải được đầu tư trang bị giống như Đội CSGT của Công an Q.1.
Nói về dự án trung tâm chỉ huy hình ảnh này, ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM, nhận xét tài nguyên hình ảnh từ hệ thống camera cần được chia sẻ với nhiều cơ quan chức năng, và đặc biệt cần có sự kết nối, liên thông dữ liệu. Nếu hệ thống có phần mềm nhận dạng bằng hình ảnh thì sẽ rất hữu ích trong việc phòng chống trộm cắp, cướp giật...
Ví dụ, khi kẻ cướp giật trên đường phố từng có tiền án, tiền sự bị camera chụp lại gương mặt và truyền hình ảnh đó về trung tâm chỉ huy, thì lý lịch tội phạm sẽ hiện ra chi tiết. Việc phá án nhờ đó sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Chưa kết nối hiệu quả Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2000, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công an TP.HCM triển khai dự án lắp đặt camera quan sát ở một số tuyến đường trung tâm và khu vực trọng điểm của TP với kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ việc bảo vệ an ninh, trật tự xã hội của TP. Việc mở rộng quy mô lắp đặt trên toàn địa bàn không thể triển khai vì thiếu kinh phí. Tuy nhiên, một số dự án về điều khiển giao thông, trong đó có dự án Trung tâm điều khiển giao thông TP với kinh phí 4,5 triệu USD (hiện do Công an TP.HCM quản lý) có trang bị hệ thống camera ghi hình nhưng chủ yếu là ghi nhận tình hình giao thông trên các tuyến đường. Một cán bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết TP đang xúc tiến xây dựng một trung tâm điều khiển giao thông mới với vốn đầu tư dự kiến 187 triệu USD. Trong dự án này, camera quan sát cũng sẽ được lắp đặt trên nhiều tuyến đường nhưng việc kết nối dữ liệu giữa các hệ thống camera với nhau chưa được tính đến một cách cụ thể. “Nếu có sự kết nối thì hiệu quả khai thác nguồn dữ liệu hình ảnh sẽ cao hơn”, vị này nói. |
Theo Thanh Niên