Toàn cảnh Ebola tấn công Liberia qua lời kể của một người ngoại quốc trong tâm dịch

Thứ tư, 13/08/2014, 10:07
Gắn bó với Liberia đã gần ba năm nhưng có lẽ thời gian qua là kỷ niệm kinh hoàng và đau thương nhất mà một vị khách ngoại quốc từng phải chứng kiến. Đại dịch Ebola tấn công khiến người dân Liberia trở nên điêu đứng, hoang mang.

Lời tâm sự về dịch bệnh Ebola tàn phá Liberia của một người ngoại quốc mang tên Clair Macdougall mới được đăng tải trên trang Mashable có nội dung như sau:

Nhiều tuần qua, tôi phải chứng kiến sự bùng phát dữ dội của dịch bệnh Ebola tại Liberia, phải chứng kiến hình ảnh quốc gia mà mình từng gắn bó suốt ba năm điêu đứng, hoang tàn vì dịch bệnh và sự chết chóc.

Tâm trí của tôi cứ luẩn quẩn, vẩn vơ mãi với hình ảnh tại một căn nhà ở khu vực St. Paul Bridge Community, nơi có những con đường cát trải dài, những căn nhà và khu vườn cổ kính. Bốn cảnh sát mặc quần áo bảo hộ và mang theo những tấm khiên kiên cố đứng canh gác quanh một căn nhà nơi một phụ nữ mới tử vong do nhiễm virus Ebola.

Trước đây, đó là một căn nhà đầy ắp tiếng cười. Nhưng giờ, mọi người quá sợ hãi mà trốn bỏ, duy chỉ có người con trai cùng cô cháu gái Hawa của nạn nhân vẫn dũng cảm và liều mình ở lại. Khi những viên cảnh sát đưa thi thể người phụ nữ xấu số đi xa, Hawa khóc nức nở không ngừng. Cô bé đứng đó, một mình với nỗi đau mất người thân.

Đó chỉ là một trong số các trường hợp tử vong do nhiễm virus Ebola, tuy nhiên, nó vẫn mãi ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Dịch bệnh quái ác: Không chỉ tấn công, ảnh hưởng đến một người mà còn ảnh hưởng đến thái độ, cách ứng xử của cả một cộng đồng. Mắc bệnh có nghĩa là chúng ta sẽ không thể chạm vào người khác hay được ôm ấp, yêu thương.

Thi thể nạn nhân bị bỏ mặc trên đường phố.

Ebola là đại dịch chết người lây truyền khi mọi người tiếp xúc trực tiếp hay tiếp xúc gần với những người đã nhiễm virus, qua quần áo và chất dịch của người bệnh. Những thân nhân hay các bác sĩ, nhân viên y tế có khả năng nhiễm bệnh rất cao.

Người Liberia thường sống gần gũi và quây quần với nhau, các thành viên trong một đại gia đình thường chung sống dưới một mái nhà. Trong căn nhà ấy, phụ nữ thường ngồi chải tóc cho nhau. Và trong bữa ăn, họ thường dùng chung bát đũa và thoải mái chia sẻ thức ăn với những người lạ mặt. Đặc biệt, tại các khu vực nông thôn, người thân thường tắm rửa cho người quá cố trước khi tiến hành chôn cất.

Thế nhưng, giờ đây, mọi chuyện đã khác. Nhiều bệnh nhân nhiễm virus Ebola được chôn cất mà không theo bất cứ nghi thức truyền thống nào. Trong vòng hơn một quần qua, thi thể của các nạn nhân nằm la liệt trên các tuyến phố ở Monrovia, những ngôi mộ tập thể xuất hiện nhan nhản ở khu vực ngoại ô thành phố.

Một thành viên trong đội thực hiện nghi lễ chôn cất đến từ Bộ Y tế Liberia cho biết, các thành viên trong đội của ông đã phải thu gom nhiều thi thể nạn nhân bị bỏ mặc trên đường phố.

Mặc dù tình hình dịch bệnh ngày càng nguy cấp thế nhưng cả bốn bệnh viện lớn trong khu vực đều trống trơn. Không hề có bóng dáng bệnh nhân hay bác sĩ nào cả. Trợ lý Bộ trưởng Y tế, ông Tolbert Nyenswah, cho biết các bác sĩ quá sợ hãi nên không tới bệnh viện làm việc. Một vị quan chức lại cho biết hiện các cơ sở y tế đang được chuẩn bị và các bác sĩ đang được đi học cách phòng chống dịch bệnh. Điều này chứng tỏ sự thiếu kiến thức, thiếu thông tin đang là một thách thức lớn trong công tác phòng chống Ebola.

Các bệnh viện lớn trống trơn.

Sự thiếu kiến thức và thông tin khiến nhiều người thậm chí còn hiểu sai về dịch bệnh. Nhiều người cho rằng các nạn nhân bị tiêm liều thuốc gây chết người tại các cơ sở y tế. Tại thủ đô Monrovia, tôi cũng nghe thấy nhiều lời đồn đoán như vậy.

Và nghe thì có vẻ buồn cười nhưng không một ai dám bắt tay nhau hay có những động chạm cơ thể. Nhiều người xếp hàng để được rửa tay bằng nước khử trùng nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan.

Vào tuần này, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf đã phải lên tiếng xin lỗi vì số người chết do nhiễm Ebola tăng cao, trong đó 1/3 bệnh nhân là đến từ Liberia.

Trước khi dịch bệnh tấn công, nhiều người dân ở Liberia phải sống với mức lương dưới 1 USD/ngày. Vậy mà, dịch bệnh đến, biết bao công ty nước ngoài phải giải tán và rút về nước. Bộ trưởng Tài chính Liberia cho biết, dịch bệnh Ebola đã giáng một cú đánh vào nền kinh tế khốn khó từng ngừng trệ suốt 10 năm do chiến tranh tại quốc gia này.

Người dân xếp hàng để rửa tay bằng nước khử trùng phòng chống Ebola lây lan.

Khi ghé thăm điểm canh gác ở quận Montserrado, tôi nhìn thấy nhiều binh sĩ đang đứng gác và không cho bất cứ ai được đi qua. Nhiều người ban đầu còn không biết tại sao cửa khẩu lại bị thắt chặt như vậy. Hàng loạt các chuyến bay bị hoãn cùng những cửa khẩu bị đóng cửa nghiêm ngặt khiến Liberia như một quốc gia bị cô lập.

Nhiều bạn bè khi nghe tin về dịch bệnh đã gọi điện, gửi thư hỏi tôi chuyện gì sẽ xảy ra? Thế nhưng, chính tôi còn không biết câu trả lời. Không một ai biết cả. Hiện mỗi người dân chỉ cố gắng khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Song nó vẫn bùng phát và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nhiều người mất đi người thân và hệ thống y tế quốc gia bị đẩy đến bờ vực thẳm.

Mới đây, tôi lại có dịp ghé thăm thị trấn Zango cùng nhân viên của tổ chức UNICEF - người có nhiệm vụ nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh Ebola. Thị trấn nhỏ đã gần như bị bỏ hoang sau khi dịch bệnh Ebola bùng phát. Nhiều người sợ hãi chạy trốn và tránh tiếp xúc với chúng tôi. Thị trấn nhỏ chỉ còn lại những ánh mắt sợ hãi của phụ nữ, trẻ nhỏ và người già.

Chúng tôi nói chuyện với anh Henry Jallah - người nông dân 23 tuổi vừa mất đi mẹ, bác, dì và hai đứa cháu do nhiễm virus Ebola. Anh bàng hoàng cho biết: "Quá nhiều người chết. Không còn hy vọng gì".

Theo Trí thức trẻ

Các tin cũ hơn