Bà Quang Thị Ngọc Nga (50 tuổi, Q.3, TP.HCM) cùng con trai là tân binh Hồ Quang Phúc (22 tuổi) trước khi lên đường nhập ngũ tại lữ đoàn 957, Cam Ranh, Khánh Hòa, trong buổi tiễn sáng 19-2 - Ảnh: Quang Định |
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, khi thảo luận về dự án luật nêu trên, các ý kiến thảo luận nhất trí chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những đối tượng này sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ.
Bịt lỗ hổng trốn nghĩa vụ quân sự
Từng tham gia nghiên cứu Luật nghĩa vụ quân sự, trung tướng Phùng Khắc Đăng - phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - cho biết về mặt lý thuyết, để tạo công bằng xã hội thì tất cả đối tượng là học sinh, sinh viên từ phổ thông đến trung cấp, cao đẳng, đại học kể cả chính quy và không chính quy đều là đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, trong thực tế những năm gần đây xuất hiện nhiều loại hình đào tạo không chính quy, không tập trung, các loại hình đào tạo này tuyển sinh ào ạt, lấy điểm rất thấp hoặc chỉ thực hiện xét tuyển (không thi tuyển). Thực tế này dẫn đến “lỗ hổng” có thể bị lợi dụng, gần như bất cứ ai cũng có thể vào được đại học hệ không chính quy, cho nên những người muốn trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ lợi dụng “lỗ hổng” này.
Đối với việc vì sao không tạm hoãn cho những người đang theo học trung cấp, cao đẳng, ông Đăng nói: “Chúng ta đã chứng kiến hiện tượng nhiều trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh theo kiểu chỉ cần đăng ký ghi tên là vào học, thậm chí họ rải “truyền đơn” khắp nơi để tuyển sinh. Như vậy, cũng để tránh việc lợi dụng quy định pháp luật trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì cần thiết giới hạn đối tượng được tạm hoãn”.
Chú trọng tuyển người tốt nghiệp ĐH, CĐ
Trung tướng Đăng cũng cho biết ban soạn thảo dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) qua tổng kết thực tiễn đã nhận thấy luật hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình quá rộng. Dẫn đến công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ hằng năm chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt gọi nhập ngũ.
Việc gọi công dân tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ trong quân đội không nhiều... Vì vậy, ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi quy định về đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình nhằm tuyển chọn được nhiều công dân tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ. “Qua đó nâng cao chất lượng xây dựng quân đội, góp phần giải quyết công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự” - trung tướng Đăng nói.
Tuy nhiên, tại phiên họp được Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội tổ chức vào đầu tháng 8 này cũng đã có ý kiến đề xuất cân nhắc việc quy định chỉ cho tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên hệ chính quy, mà không cho tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học trong các trường cao đẳng, trung cấp...
Ông Lê Việt Trường, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho biết ý kiến cá nhân là không nên có sự phân biệt giáo dục chính quy và không chính quy để phù hợp với chủ trương phát triển đa dạng hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay.
Kéo dài thời hạn tại ngũ lên 24 tháng
Một nội dung mới đáng chú ý trong dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) là nâng thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ nói chung lên 24 tháng, thay vì 18 tháng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và 24 tháng đối với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân như quy định hiện hành.
Theo thông tin từ một số thành viên của Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Bộ Quốc phòng cho biết cơ sở để sửa đổi thời hạn phục vụ tại ngũ là hiện nay quân đội nhân dân đã xây dựng các quân chủng hải quân, phòng không - không quân và một số binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 18 tháng không đủ thời gian huấn luyện. Ngoài ra, quân đội còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng, Nhà nước giao như phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Nếu vẫn giữ thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng thì không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.
“Trong thảo luận của ủy ban chúng tôi có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng ý 24 tháng, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên 18 tháng, lại có ý kiến cho rằng nên hạ xuống 12 tháng. Quan điểm của tôi nếu được thì nên quy định là 12 tháng, hoặc quy định chung 18 tháng cho cả hạ sĩ quan, binh sĩ các loại” - ông Lê Việt Trường nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình soạn thảo dự án luật này, ban soạn thảo cũng đã cân nhắc ba phương án quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ thời bình của nam công dân bao gồm: 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng. Về độ tuổi gọi nhập ngũ, dự thảo luật vẫn giữ quy định công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Dự kiến năm 2015 sẽ có Luật nghĩa vụ quân sự mới Luật nghĩa vụ quân sự được Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thông qua trong phiên họp ngày 15/4/1960, được sửa đổi và bổ sung vào các năm 1962 và 1965. Đến năm 1981, Quốc hội khóa VII ban hành Luật nghĩa vụ quân sự để thay thế các luật trên. Theo Luật nghĩa vụ quân sự 1981, lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ được quy định: ba năm đối với hạ sĩ quan và binh sĩ; bốn năm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên môn, kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân; hai năm đối với hạ sĩ quan và binh sĩ đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học và hai năm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc một số dân tộc do Hội đồng Bộ trưởng quy định. Luật nghĩa vụ quân sự 1981 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994, năm 2005. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự 2005 quy định độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, của một số đối tượng khác là 24 tháng. Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm (khai mạc tháng 10-2014) và sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp đầu năm 2015. |
* Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG (phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội): Không chấp nhận đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự Bên cạnh mặt thuận lợi, việc nâng lên 24 tháng cũng có mặt không thuận là vì chúng ta duy trì quân số trong thời bình thấp, tỉ lệ nhập ngũ thấp, dẫn đến có sự không công bằng nhất định trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những người đến độ tuổi không phải ai cũng thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi số lượng nam thanh niên đông, nếu chúng ta kéo dài thời hạn tại ngũ thì số “quay vòng” sẽ được ít hơn. Nghĩa là số người tham gia nghĩa vụ quân sự ít hơn. Để giải quyết mặt không thuận nêu trên, chúng ta có thể đặt ra quy định tương ứng gọi là nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự. Tôi có dịp đi nghiên cứu một số nước, có nước ngay trong khu vực, tôi đã chứng kiến thanh niên bị cận thị nặng hoặc béo phì nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cứ đến tuổi là vào quân đội, không phân biệt, tất nhiên dân số họ ít nên dễ “quay vòng”. Còn ta dân số đông không thể nào tất cả mọi thanh niên đều nhập ngũ được. Vậy chúng ta có thể nghiên cứu, nghĩa vụ thay thế ở đây có thể là bằng nghĩa vụ lao động công ích hoặc đóng góp gì đó phù hợp. Vừa qua có quan niệm là đóng góp thay thế bằng tiền. Nếu đóng tiền thì dứt khoát không được. |
Hàn Quốc: diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đều phải nhập ngũ Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với gần như tất cả nam công dân Hàn Quốc từ 18 tuổi trở lên, bất kể thành phần tôn giáo hay nghề nghiệp, kể cả diễn viên, ca sĩ nổi tiếng. Theo quy định của Hiến pháp Hàn Quốc, việc tôn trọng lệnh nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng hai năm là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc đối với toàn bộ công dân nam có đủ sức khỏe. Thái Lan: nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân nam từ độ tuổi 21 Độ tuổi nhỏ nhất có thể đăng ký quân đội là 18 nhưng phải đến trên 21 tuổi mới được tuyển vào để đào tạo tân binh. Theo Hiến pháp năm 1997 của Thái Lan, phục vụ trong quân đội là nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân nam từ độ tuổi 21. Những người tình nguyện sẽ phục vụ trong quân đội từ 6-18 tháng tùy thuộc vào trình độ giáo dục, trong khi những người tham gia quân đội theo giấy gọi của chính phủ phải phục vụ đến hai năm. Singapore: đóng phí bảo đảm quân dịch 60.500 USD khi du học Chế độ nghĩa vụ quân sự là bắt buộc với tất cả công dân nam. Độ tuổi nhập ngũ từ 18 tuổi, đã tốt nghiệp phổ thông hoặc các trường sơ cấp. Đối với nam công dân có trình độ văn hóa từ phổ thông trung học trở lên sẽ phục vụ trong quân đội hai năm rưỡi, nếu dưới trình độ này sẽ phục vụ hai năm. Những người được miễn hoặc tạm hoãn gồm: người có sức khỏe không thích hợp, gia đình có chuyện bất thường ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày, chưa tốt nghiệp phổ thông hoặc đang học tại các trường sơ cấp, thi trượt tốt nghiệp phổ thông và được phép thi lại vào năm sau. Những người chưa được gọi nhập ngũ nhưng có nhu cầu ra nước ngoài học tập có thể xin phép hoãn quân dịch, nhưng sau khi học xong phải về nước thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian đi học ở nước ngoài, gia đình phải chịu trách nhiệm đóng phí bảo đảm quân dịch ít nhất 75.000 SGD (khoảng 60.500 USD) và cao nhất 300.000 SGD (khoảng 242.000 USD) tùy hoàn cảnh gia đình. Sau khi về nước, nếu tham gia quân dịch sẽ được hoàn trả toàn bộ số tiền trên. Nếu đến hạn không về nước, chính phủ sẽ trưng thu số tiền này và xử phạt nhóm đối tượng trên tội trốn quân dịch ít nhất ba năm tù và nộp tiền phạt 5.000 SGD. |
Theo TTO