Hàng trăm quan chức phải ở khách sạn vì thiếu nhà công vụ?

Thứ tư, 13/08/2014, 07:46
Thiếu nhà ở công vụ, hàng trăm cán bộ vẫn hàng ngày ở khách sạn. Nhà nước đang phải chi trả với số tiền rất lớn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước

Nhà ở công vụ là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 12/8.

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, luật hiện hành quy định về nhà ở công vụ đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp, việc thực hiện đang lúng túng và cần phải sửa lại.

Nhà ở công vụ liên quan đến công tác cán bộ và là một nhu cầu tự nhiên. Không chỉ đối với cán bộ ở tỉnh thành trung tâm mà ngay cả địa phương, số cán bộ luân chuyển lên trung ương cũng nhiều, rất cần chỗ ở. Do vậy đại biểu Ksor Phước cho rằng, nên có nhà công vụ và có thể xây dựng, quy hoạch thành những khu nhà công vụ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị cần phải phân rõ cấp bậc. “Đã là công chức nhà nước thì phải có thứ bậc. Nhưng nhà công vụ, như ở Quốc hội, từ Phó chủ tịch Quốc hội đến Ủy viên thường trực cùng ở một dãy nhà như nhau. Như vậy không đúng nghĩa nhà công vụ. Đã nhà nước thì phải có thứ bậc, lương cũng theo thứ bậc nên các chính sách cũng phải theo thứ bậc”.

Đại biểu Ksor Phước cũng phản ánh, hiện nhiều cán bộ cơ quan Chính phủ, thậm chí cả cơ quan Đảng vì chưa bố trí được nhà công vụ nên hàng ngày phải ở khách sạn, mà số tiền đó nhà nước phải trả hết và phải trả mức cao lắm.

"Cả nước có hàng vạn cán bộ đang rất cần nhà ở công vụ, nên không thể dừng việc sửa đổi được. Nếu dừng thì luật này chưa hoàn thành nhiệm vụ” – ông Ksor Phước nói.

Trước tình trạng nhà công vụ thuê sau đó lại không trả lại cho nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải có quy định cụ thể, nếu vi phạm trong sử dụng, hoặc không có nhu cầu thì nên quy định vào luật, nhưng phải trên nguyên tắc để đảm bảo sự công bằng.

Cũng liên quan đến vấn đề nhà công vụ, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, phải xác định mức giá làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Ông Phúc dẫn dụ, nhà công vụ Quốc hội hiện đang có mức giá 600 – 700 nghìn đồng/tháng mỗi căn hộ, chưa kể điện nước và các chi phí khác.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, mức giá như vậy là cao chứ không phải thấp. Ngoài ra một bất cập khác về mức giá là hiện còn tình trạng chỗ cao, chỗ thấp gây bất bình đẳng nên phải tính toán làm sao cho đảm bảo sự công bằng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa thì đề nghị nên quy định nhà công vụ đối với lực lượng vũ trang vào Luật nhà ở sửa đổi lần này. Hiện chúng ta đang sửa đổi Luật sĩ quan, Luật công an nhân dân, tuy nhiên để đảm tính thống nhất và sau này không vướng mắc khi thực hiện thì Luật nhà ở sửa đổi cần quy định nhà ở công vụ với nhóm lực lượng vũ trang.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu UBTVQH cũng cho rằng, chất lượng nhà tái định cư hiện rất kém, xuống cấp rất nhanh, giá cả cũng không có lợi cho người dân. Trước thực tế đó, đại biểu đề nghị đưa đối tượng này là một trong những đối tượng được ở nhà xã hội.

Đồng tình với chủ trương của ban soạn thảo Bộ Xây dựng, một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải ban hành quỹ phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên quỹ này không nhất thiết tất cả 63 tỉnh thành đều phải có, và cũng nên duy trì quỹ độc lập, chứ không nên chuyển quỹ về Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lại đề nghị cân nhắc với chủ trương này. Bởi xưa nay “cứ làm một cái luật lại đẻ ra một cái quỹ”. Hết Ngân hàng Chính sách xã hội rồi đến quỹ phát triển đất, rồi lại sinh quỹ phát triển nhà ở…

“Quỹ này sau này quản lý, hướng dẫn thế nào? Phải mạch lạc chứ với thủ tục hành chính bây giờ là vô vùng lộn xộn. Có nhất thiết đưa quỹ phát triển nhà vào Luật này không? Đừng có bao cấp nửa chừng” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu, song Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tha thiết mong muốn được xém xét về quỹ phát triển nhà ở, bởi nếu không có quỹ này sẽ rất khó khăn cho người có nhu cầu về nhà ở.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích