Theo báo chí, có đến 12/13 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” sau khi học tập ở nước ngoài không trở về nước. Trong ảnh là Nguyễn Trọng Nhân - Trường THPT chuyên Tiền Giang - nhà vô địch năm nay. |
Rồi báo chí, thấy nhắc lại câu chuyện có tới 12/13 cựu vô địch Olympia, sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài, đã không về nước. Có lẽ chúng ta cũng nên tìm câu trả lời cho câu chuyện này, đừng vội vàng trách cứ họ.
Trên Infonet, nhà báo Nguyễn Như Mai, nguyên thư ký tòa soạn Báo Sinh viên và Hoa học trò, được VTV mời làm cố vấn chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” trong 14 năm, cho rằng con số 12/13 quán quân không trở về cũng không biết là đã chính xác chưa. Thế nhưng, theo ông không chỉ những “nhà leo núi Olympia” mới như vậy, nhiều bạn khác có tài năng sau khi đi du học cũng thế thôi...
Ông Mai phân tích, đối với những người có tri thức, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, họ muốn ở lại không chỉ vì đời sống vật chất. Họ còn có một thực tế phải đối mặt khi về nước, đó là phải chạy chọt xin việc, phải va đập vào những thủ tục phức tạp, phải lo lót "đầu tiên" mà nhiều khi vẫn thất nghiệp. Xin được việc làm rồi, họ lại không thể phát huy được sở học. Bởi làm giảng dạy, làm khoa học thì thiếu thiết bị, thiếu môi trường khoa học, lại bị chèn ép, kèn cựa, “cá mè một lứa”...
“Vấn đề là chúng ta phải tự hỏi tại sao lại để xảy ra cơ sự như vậy. Bấy lâu nay nước ta cứ đưa ra những chủ trương chính sách như thu hút nhân tài. Thậm chí còn dùng những câu to tát như “trải thảm đỏ” đón nhân tài, nhưng thực ra đó mới chỉ là những khẩu hiệu, chứ chưa có tính thực tế”, ông Mai nhấn mạnh.
Từ câu chuyện này, xâu chuỗi lại với những câu chuyện mới đây mà báo chí trong nước đưa tin, tôi cho rằng liệu đó có phải là nguyên do sâu xa của câu chuyện người giỏi đi du học, ngại trở về phục vụ đất nước?
Tuồn đề thi tuyển cho người thân
Thông tin về việc cuộc thi tuyển cán bộ, công chức vào làm việc tại Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương để lộ đề thi năm 2013 và một số thí sinh nghi là sử dụng nội dung đề thi đã bị lộ để trúng tuyển đang khiến dư luận băn khoăn. Bộ Công an đã vào cuộc và vừa đưa ra kết luận. Trong số thí sinh dự thi có một số người là con em trong ngành công thương và có người còn là cháu của một vị phó cục trưởng Cục QLTT. Điều này càng khiến hàng trăm thí sinh khác dự cuộc thi tuyển này thất vọng.
Vấn đề là sau khi kết luận đã khá rõ, mức kỷ luật đối với những cán bộ liên đới cứ "nhẹ tựa lông hồng". Thậm chí, cục trưởng kiêm chủ tịch hội đồng thi tuyển của kỳ thi đó vẫn không hề hấn gì, ngược lại còn được luân chuyển lên chức cao hơn...
Khi công chức gom tiền tỷ "bôi trơn" thi cao học
Hôm 10/7, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chính thức yêu cầu làm rõ vụ chung chi của 40 thí sinh dự thi đầu vào cao học ở tỉnh này khi họ góp 27 triệu đồng/người để “chạy” thầy, “chống trượt đầu vào” ở Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, nơi liên kết tổ chức đào tạo với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Cái lỗi của cơ chế tuyển dụng và xét bổ nhiệm chức vụ của nhà nước ta lâu nay đang hình thức quá, rất đáng xem lại. Tài năng của mỗi công chức nhà nước lại chỉ nhắm vào cái mác đó sao? Nếu cứ cung cách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ kiểu này, chúng ta khó tìm được người có tài và có tâm phụng sự đất nước.
Cả hai câu chuyện mà tôi vừa nêu trên đây chứng minh cho một thực tế, những người được đào tạo ở nước ngoài bài bản, có tài năng thực thụ, lại có lòng tự trọng cao, họ rất ngại trở về quê hương để dấn thân phục vụ đất nước. Lớp trẻ đó, không hoàn toàn chỉ vì chế độ đãi ngộ của chúng ta thấp quá mà họ không mặn mà trở về. Điều đáng lo và phải chăng, cái cản trở lớn nhất, đó là việc chúng ta chưa có được một cơ chế tuyển dụng nhân tài minh bạch, cầu hiền đúng nghĩa.
Cái câu “trải thảm đỏ” hình như vẫn còn hình thức lắm!
Theo Thanh Niên