Cuộc sống của dân tộc bí ẩn nhất thế giới ở Việt Nam

Thứ năm, 09/10/2014, 11:01
Nằm sâu trong rừng núi thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là sự tồn tại những bản làng dân tộc Rục - một trong 10 dân tộc bí ẩn nhất trên thế giới, hiện sinh sống tại Việt Nam.

Tiên cảnh trong hang động tự nhiên lớn nhất thế giới - động Sơn Đoòng. Nhiều nhà thám hiểm còn cho rằng, Phong Nha - Kẻ Bàng còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn hơn thế.

Hơn chục năm sau khi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo, quần thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành điểm đến khám phá của du khách và nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế.

Nhưng ít ai biết rằng, nằm sâu trong khu vực rừng núi thuộc vườn quốc gia là sự tồn tại của những bản làng dân tộc Rục - 1 trong 10 dân tộc bí ẩn nhất trên thế giới, hiện sinh sống tại Việt Nam.

Còn hang động lớn hơn Sơn Đoòng tại Phong Nha - Kẻ Bàng?

Trải dài trên địa bàn thuộc hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng từ lâu được coi là điểm đến đặc biệt hấp dẫn của các du khách và các nhà nghiên cứu thế giới.

Ấn tượng nhất tại địa danh có một không hai này, đó là hai danh hiệu “Hang động khô dài nhất châu Á” dành cho động Thiên Đường và “Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới” dành cho hang động Sơn Đoòng cùng nằm trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đây cũng là hai thắng cảnh tự nhiên đầu tiên của Việt Nam xuất hiện thường xuyên trên những tờ báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới. Giống như những gì đang trải ra trước mắt, tên gọi của từng điểm di tích, gắn với những sự tích mang đậm màu sắc huyền thoại đã đưa đến cho nơi đây những dấu ấn khác lạ...

Hồ Tiến Nam là chàng trai đầu tiên của dân tộc Rục bí ẩn nhất thế giới nỗ lực vươn lên trở thành thầy giáo tiểu học.
Hồ Tiến Nam là chàng trai đầu tiên của dân tộc Rục bí ẩn nhất thế giới nỗ lực vươn lên trở thành thầy giáo tiểu học.

Có gần chục năm gắn bó với nghề hướng dẫn du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng theo chị Nguyễn Thị Ánh, dù đã có nhiều thời gian đi và đến các điểm du lịch một cách tích cực, chị cũng chưa thể khám phá hết quần thể du lịch nổi tiếng này.

“Điều này cũng lý giải tại sao Phong Nha - Kẻ Bàng lại thu hút du khách đến vậy, bởi nơi đây còn quá nhiều điều bí ẩn”, chị Ánh cho biết.

Như để minh chứng, chị Ánh giới thiệu với chúng tôi về hàng loạt những cái tên như động Tiên Sơn, động Thiên Đường đều khiến cho du khách phải đê mê, bởi vẻ đẹp hút hồn, mang đậm dấu ấn sơ khai rất riêng của từng hang động, mặc dù đều chung nhau ở dấu ấn thạch nhũ với những hình thù, sắc màu huyền ảo.

Mới đây, trên đường dẫn vào hang Sơn Đoòng, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện một chiếc chum cổ nằm dưới khe đá với chiều cao khoảng 60cm, nhiều họa tiết trang trí đặc biệt.

Theo chị Ánh, nhiều đoàn chuyên gia, khi nghiên cứu căn cứ vào hình thù cũng như vân gốm của chum đã đưa ra nhiều phỏng đoán, nhưng đều khá thống nhất về niên đại chum vào khoảng thế kỷ 16-17, thuộc loại chum đựng đồ của người Việt. Tuy nhiên, nghi vấn xoay xung quanh sự hiện diện của chiếc chum trong động, đặc biệt là tư thế lạ của chiếc chum đến giờ vẫn còn là một ẩn số?

Trước đây, từng có thông tin cho rằng, động Phong Nha là một trong những nơi cất giấu vàng của vua Hàm Nghi khi kinh qua Quảng Bình. Nơi đây cũng từng xuất hiện những đoàn tìm vàng từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên, sau những cuộc tìm kiếm hao tiền, tốn của, thậm chí khiến không ít người phải bỏ mạng, không ai còn nhớ đến sự kiện này cho đến khi chiếc chum lạ được phát hiện mới đây.

Nhưng ấn tượng nhất, đó là những khám phá về hang động Sơn Đoòng - hang động tự nhiên lớn nhất thế giới mà con người phát hiện ra cho đến thời điểm hiện tại. Những phát hiện và công bố đầu tiên về hang động đặc biệt này do đoàn thám hiểm hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh thực hiện vào năm 2010.

Tiến sĩ Howard Limbert -Trưởng đoàn thám hiểm khi ấy từng khẳng định, việc phát hiện ra hang Sơn Đoòng chỉ là kết quả khám phá của 10% hoang mạc đá vôi nằm giữa Phong Nha - Kẻ Bàng, do vậy, có thể sẽ còn hang động lớn hơn cả động Sơn Đoòng hiện tại.

Tiên cảnh trong hang động tự nhiên lớn nhất thế giới - động Sơn Đoòng. Nhiều nhà thám hiểm còn cho rằng, Phong Nha - Kẻ Bàng còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn hơn thế.
Tiên cảnh trong hang động tự nhiên lớn nhất thế giới - động Sơn Đoòng. Nhiều nhà thám hiểm còn cho rằng, Phong Nha - Kẻ Bàng còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn hơn thế.

Những năm kháng chiến, rừng Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi che giấu bộ đội, thanh niên xung phong và lương thảo, đạn dược trên đường chi viện cho miền Nam. Bởi thế, Phong Nha - Kẻ Bàng còn là mảnh đất của những di tích, những chiến tích cách mạng một thời thông ra tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với lịch sử chi viện cho miền Nam.

Cuộc sống bí ẩn của bộ tộc giữa rừng sâu

Trong chuyến đi về xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), thuộc khu vực vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi may mắn được chứng kiến cuộc sống với nhiều điều còn bí ẩn của dân tộc Rục trên mảnh đất Quảng Bình. Được biết đến là một trong 10 dân tộc bí ẩn nhất thế giới, dân tộc Rục cũng là “đàn em” được phát hiện muộn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, do sống cách xa cộng đồng quá lâu, tính cách của đồng bào nhút nhát, quen nếp sống nguyên thủy nên dù đã gia nhập cộng đồng được hơn 50 năm, nhưng nay, cuộc sống của bộ phận dân tộc rất ít người này vẫn còn là điều bí ẩn với nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa.

“Mới chứng kiến đồng bào Rục lẩn khuất giữa các hang động, bìa rừng, các chiến sĩ đồn biên phòng Thượng Hóa đã không khỏi bất ngờ, khi thấy nhiều người có khả năng leo trèo như vượn, họ đu mình trên cây và ở trần”, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Võ Xuân Trang từng viết trong cuốn sách “Người Rục ở Việt Nam”.

Và ông khẳng định, “người Rục cũng như người Sách, người Mày, người Mã Liềng và người Arem ở Quảng Bình là bộ phận cư dân tiền Việt Mường hiếm hoi còn lại ở nước ta. Cuộc sống của họ vẫn còn là điều bí ẩn lớn”.

Theo lời kể của ông Cao Ngọc Hà, trưởng bản Lũ Làn (xã Thượng Hóa), dân tộc Rục sinh sống ẩn khuất giữa núi rừng, trong những ngôi nhà nhỏ che chắn tạm bợ, nằm rải rác sườn núi. Nơi đây không có trường học, trạm y tế, chợ..., người Rục vẫn lấy việc nương rẫy làm kế sinh nhai.

Cuộc sống biệt lập khiến người Rục tỏ ra lạ lẫm, rụt rè với người ngoài. Với người dân ở Quảng Bình, nói về dân tộc Rục, có lẽ không ai có thể am hiểu hơn ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc ở Quảng Bình.

“Rục không phải là tên tộc gốc của họ, mà đây chỉ là tên gọi phái sinh, do tộc người khác dùng để gọi và ám chỉ cuộc sống của người Rục vốn sống chủ yếu ở hang đá”, ông Dự cho biết. Cũng theo ông Dự, người Rục có thể xếp cùng với nhóm ngôn ngữ của dân tộc Mã Liềng, A Rem…

Người Rục rời hang đá, nhưng vẫn mang trong mình nếp nghĩ nguyên thủy. Theo nhà nghiên cứu, trong hơn 100 nhân khẩu của người Rục sống rải rác, hiện gia đình vợ chồng ông Cao Chơn và Cao Thị Bim (hơn 80 tuổi) và ông Cao Ống là những người già hiếm hoi còn lại của làng. Không chỉ giữ nếp sống nguyên thủy, một số người già còn giữ kín những thuật lạ mà các dân tộc khác không có.

Đối với người Rục hiện tại, ông Cao Chơn, Cao Ống là hai trong số những người hiếm hoi của làng còn giữ được thuật xưa. “Không dễ dàng để được chứng kiến những phép thuật này, do người Rục sống khép kín và họ quan niệm đó là bí quyết riêng, không thể để lộ”, ông Dự cho biết.

Bởi vậy, suốt cuộc đời nghiên cứu về các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ông Dự cũng chỉ được một lần duy nhất chứng kiến người Rục dùng thuật. Tuy nhiên, người ngoài cũng không thể biết được nội dung của thuật, bởi người Rục dùng ngôn ngữ riêng để đọc chú, sau đó thông báo về mục đích làm thuật.

Trong số các thuật mà ông biết, người Rục nổi tiếng nhất với thuật thổi thắt, thổi mở, với cách  dùng bùa chú thổi vào người phụ nữ để sinh hoạt vợ chồng không có con (thổi thắt); còn khi cần có con cũng dùng bùa chú để thổi vào người phụ nữ (thổi mở).

Trong các lĩnh vực khác nhau, người Rục lại có những thuật riêng, như thuật hấp hơi để tránh thú dữ, thuật thổi lửa để trừ tà ma..., một minh chứng đó là hàng thế kỷ sống trong rừng sâu nhưng người Rục không hề có cảm giác sợ thú rừng.

Ông Cao Ống mô tả lại thuật “thổi thắt”, “thổi mở” một cách thận trọng.
Ông Cao Ống mô tả lại thuật “thổi thắt”, “thổi mở” một cách thận trọng.

Trong chuyến đi hôm ấy, chúng tôi gặp được Hồ Tiến Nam, người dân tộc Rục và là “hiện tượng” lạ, khi anh là người đầu tiên của dân tộc Rục thi đậu Trường đại học Quảng Bình và hiện đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Yên Hợp. Khi được hỏi về một số thuật lạ của người Rục, anh Nam cho biết, những thủ thuật không được thế hệ trẻ biết tới.

Bởi, người già không truyền phổ biến thuật trong làng mà chỉ 1 - 2 người Rục có uy tín nhất được chọn làm truyền nhân. Họ sau này đồng thời là thầy cúng và chịu trách nhiệm dẫn dắt cả làng.

Dù có nhiều nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu về tộc người này, nhưng đến nay, các thông tin thu thập được về người Rục vẫn chỉ dừng lại ở mức mô tả sơ lược, còn những bí ẩn về đời sống tâm linh và những phép thuật được sử dụng vẫn còn là điều khó lý giải.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết, năm 2013, Vụ Dân tộc Thiểu số đã thực hiện khảo sát và xác nhận: Người Rục của Việt Nam là một trong mười dân tộc bí ẩn nhất thế giới theo tiêu chí: họ có tập quán rất lạc hậu, quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm, nhưng họ cũng có một cuộc sống tinh thần phong phú; còn lưu giữ những nét văn hóa đã từ lâu không tồn tại trong thế giới hiện đại; có nguy cơ suy giảm dân số hết sức nghiêm trọng. Công bố trên cũng phù hợp với công bố trước đó của nhóm các nhà khoa học thế giới công bố về 10 dân tộc bí ẩn nhất hành tinh, trong đó có người Rục của Việt Nam.

Theo Lao động

Các tin cũ hơn