Dọc những con phố chăng hoa kết đèn, nhộn nhịp người đi chơi dịp cuối tuần, ta vẫn có thể nghe tiếng chổi tre quen thuộc. Những người lao công vẫn miệt mài công việc của mình mà không để ý đến ngày Phụ nữ Việt Nam đang tới gần.
Đã gắn bó với công việc lao công gần 10 năm nay, chị Liên (Hoàng Mai – Hà Nội) tâm sự: 'Tuy công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng những nỗi vất vả ấy không sợ bằng nỗi sợ xa chồng con trong những dịp lễ tết'.
Như những nàng ong chăm chỉ kết hoa làm đẹp cho đời nhưng mối lo 'cơm áo gạo tiền' đôi khi khiến họ quên mất rằng có một ngày mà họ xứng đáng được tôn vinh, trân trọng và yêu thương.
Nửa đêm về sáng, chợ hoa quả ở chân cầu Long Biên mới vào thời điểm nhộn nhịp nhất. Ở đây tập trung rất nhiều lao động nữ, công việc chủ yếu của họ là kéo xe và gánh hàng thuê cho các lái buôn hoa quả.
Cô Hợi (48 tuổi – Nam Định) đang gồng mình kéo chiếc xe hàng có trọng lượng nặng gấp vài lần cơ thể mình.
Những giấc ngủ vội vàng nơi cuối chợ. Công việc của những người phụ nữ này thường bắt đầu từ 1 giờ đêm và kết thúc vào lúc sáng sớm, rồi họ lại chuẩn bị cho một ngày buôn bán khắp các con phố của Hà Nội.
Không nặng nhọc vất vả như chợ đầu mối hoa quả Long Biên, nhưng những người phụ nữ chuyên buôn bán ở chợ hoa Quảng An cũng đã quen với nếp sinh hoạt 'ngủ ngày cày đêm'.
Với dáng vẻ vội vã, chị Hảo, một tiểu thương chuyên buôn bán hoa ở Hà Nội cho biết: 'Càng gần những ngày đặc biệt thế này, công việc của chị càng bận. Dù mình bán hoa nhưng cuối dịp năm nào cũng chỉ mong hết hàng, cũng chẳng nghĩ tới chuyện bỏ riêng ra một bó mà tự tặng mình.'
Trời gần về sáng, chợ hoa cũng tan dần và những người phụ nữ ấy vẫn cần mẫn đội nắng, đội mưa mưu sinh, ngày đặc biệt này với họ chỉ đơn giản là hoàn thành sớm công việc và về nhà đúng giờ. |
Theo VTCnews