Theo Trung tá Vũ Ngọc Lương, từ đầu năm đến nay, Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 đã tiếp nhận và điều trị cho 1.236 trường hợp bị rắn cắn; trong đó có gần 70% là rắn độc các loại như: rắn hổ, rắn lục, rắn chàm quạp, rắn cạp nia, rắn hổ mèo…
Riêng số nạn nhân bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn là 856 trường hợp, tăng 56 ca so với năm trước.
Tất cả các trường hợp bị rắn độc cắn đều được Trung tâm cứu chữa, không xảy ra tử vong. Bệnh nhân đến Trung tâm điều trị do rắn cắn nhiều nhất là vào mùa mưa, mùa nước nổi, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.
|
Ảnh minh họa. |
Theo các y, bác sĩ ở Trung tâm, "bí quyết" trong quá trình điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn là "kinh nghiệm chẩn đoán" chính xác bệnh nhân bị loài rắn nào cắn để có hướng điều trị đạt hiệu quả cao.
Trung tá Vũ Ngọc Lương cho biết thêm, do đặc thù thời tiết, khí hậu, môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất phù hợp cho rắn lục đầu dồ đuôi đỏ sinh sống và phát triển; từ đó số lượng loại rắn lục này ở đây thường nhiều hơn các nơi khác.
Để đạt hiệu quả cao trong điều trị cho nạn nhân bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn, Trung tâm khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sơ cứu như: dùng dây buộc garô trên vết cắn khoảng từ 3-5cm, rửa sạch, băng bó vết thương lại và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 không những nổi tiếng là nơi nghiên cứu, bảo tồn các loài rắn quý hiếm, mà còn được biết đến là địa chỉ tin cậy điều trị rắn độc cắn hiếm hoi cho nạn nhân bị rắn độc cắn ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn có tổng số 20 giường bệnh, với 6 y, bác sĩ, có chức năng cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân bị rắn độc cắn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi khác.
Theo Vietnam+