Nguy cơ Trái Đất va chạm với thiên thạch khổng lồ

Thứ năm, 06/11/2014, 16:35
Một thiên thạch khổng lồ mang tên 2014 UR116 có khả năng va chạm vào trái đất vừa được các nhà khoa học Nga phát hiện. Nếu vụ va chạm này xảy ra, tất cả sẽ bị phá hủy.

Kính thiên văn tự động được đặt ở dãy núi Caucasus, gần thành phố Kislovodsk của trường Đại học Moscow (Nga) đã phát hiện ra thiên thạch này đầu tiên và được các nhà khoa học đặt tên là 2014 UR116.

Thiên thạch này có đường kính khoảng 370m. Tạp chí Scientific Russia nhận định 2014 UR116 có kích thước lớn và vụ va chạm với Trái Đất sẽ rất "thảm khốc". Nếu vụ va chạm này xảy ra sẽ tạo nên vụ nổ mạnh hơn 1.000 lần so với vụ nổ thiên thạch xảy ra ở Chelyabinsk hồi năm 2013.

Victor Shor, chuyên gia của Viện Thiên văn Ứng dụng, cho biết thiên thạch khổng lồ có thể sẽ không gây hại cho Trái Đất trong ít nhất 6 năm tới. Hiện nay, vị trí gần nhất của quỹ đạo 2014 UR116 ở cách Trái Đất 4,5 triệu km.

Nếu xảy ra va chạm giữa thiên thạch 2014 UR116 và Trái Đất, vụ nổ sẽ có sức mạnh lớn hơn 1.000 lần so với vụ nổ ở Chelyabinsk ở Nga hồi tháng 2 năm ngoái. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, quỹ đạo của 2014 UR116 đang thay đổi thất thường vì nó di chuyển gần sao Hỏa và sao Kim, trong khi lực hấp dẫn của các hành tinh này cũng có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của nó và các nhà khoa học vẫn luôn chú ý đến đường đi của thiên thạch này.

Sau khi các nhà thiên văn Nga phát hiện thiên thạch trên, họ đã chuyển các dữ liệu liên quan đến Trung tâm Nghiên cứu thiên thạch (thuộc Viện nghiên cứu Smithsonian, Mỹ), một tổ chức chuyên thu thập các dữ liệu quan sát các thiên thạch và sao chổi để tính toán quỹ đạo và công bố thông tin của chúng. Nhờ đó, các đài quan sát trên thế giới đều có thể nghiên cứu kỹ lưỡng về 2014 UR116 và xác định quỹ đạo di chuyển chính xác của nó.

Ben Rozitis, một nhà nghiên cứu ở Đại học Tennesse cho biết:  "Từ sau vụ ảnh hưởng của thiên thạch năm 2013 ở Nga, mối quan tâm tới việc làm thể nào để đối mặt với những thiệt hại có thể xảy ra do va chạm với thiên thạch đang là chủ đề nóng hiện nay. Chúng ta cần hiểu biết về sự gắn kết của các thiên thạch để có thể lập chiến lược tự bảo vệ trước những va chạm trong tương lai".

Thiên thạch khổng lồ đang lao với vận tốc 38.000 dặm/giờ. Nguồn: Getty

Tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một thiên thạch khổng lồ có đường kính hơn 1.000m đang lao nhanh trong vũ trụ với vận tốc 38.000 dặm/giờ và có khả năng sẽ đâm vào Trái Đất.

Thiên thạch mang mã số 1950 DA có 1/300 cơ hội va chạm với Trái Đất vào ngày 16/3/2880. Nếu điều này thực sự sẽ xảy ra, lực va chạm sẽ tương đương với 44.800 triệu tấn thuốc nổ TNT, gây ra những trận siêu sóng thần, động đất và núi lửa phun có thể nuốt chửng các thành phố và tiêu diệt hơn 99% sự sống trên Trái Đất.

Trước đó, ngày 15/2 năm ngoái, khối thiên thạch có đường kính khoảng 15m lao vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/giờ, phát nổ ở độ cao 19-24km so với mặt đất. Vụ va chạm gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh Chelyabinsk, Tyumen, Kyrgan và Sverdlovsk, Nga cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Urals.

Nguồn năng lượng có trong thiên thạch khi phát nổ ước tính tương đương với vụ nổ của khoảng 300-500.000 tấn thuốc nổ TNT, và mạnh hơn gấp 30 lần so với sức mạnh của quả bom từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.

66 triệu năm trước đây, một thiên thạch cực lớn đã đâm xuống Mexico và hủy diệt sự sống của những con khủng long cuối cùng cũng như hầu hết hệ thực vật trên Trái Đất.

NASA phân loại bất cứ thiên thạch nào có đường kính từ 50m trở lên đều có khả năng hủy diệt các thành phố.

Chiếc kính thiên văn tự động đã phát hiện thiên thạch 2014 UR116 có tên gọi MASTER, thuộc quyền sở hữu của Trường Đại học Moscow và được tạo ra bởi sự hợp tác giữa các trường Đại học tại Nga cùng với sự giúp đỡ từ trường Đại học San Juan, Argentina.

Theo Gia đình

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích